Triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề Nét đan thanh
Nhân chào mừng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề Nét đan thanh.
>>> Tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Triển lãm diễn ra từ ngày 14/11/2023 đến hết ngày 30/11/2023, quy tụ 60 tác phẩm của 16 tác giả đã được lựa chọn phù hợp với chủ đề “Nét đan thanh,” đáp ứng cả về nội dung, hình thức, đảm bảo tinh thần nghệ thuật mà triển lãm hướng tới. Các tác phẩm có sự phong phú về trình bày, đa dạng về phong cách và nhuần nhụy trong bút pháp thể hiện con chữ trên mặt giấy.
Đan Thanh theo nguyên nghĩa thì Đan là màu đỏ, Thanh là màu xanh, nghĩa ban đầu chỉ những nét vẽ, những mảng màu, chỉ hội hoạ nói chung, sau mang thêm hàm ý sáng tác nghệ thuật bằng đường nét, những nét vẽ, nét viết.
Đan còn là sách viết mực son ghi lại công trạng, hình tích, thành tựu, còn Thanh là thanh sử nghĩa là sử xanh. Đan thanh lúc này mang thêm hàm ý chỉ sử sách, mở rộng ra là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần, văn hoá, văn chương, nghệ thuật được lưu truyền, ghi chép trong sử sách.
Đan thanh còn là sự ghi nhận những người có công lao, đóng góp lớn trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, đan thanh còn có ý nghĩa là sáng tỏ, rực rỡ như những gì đã và đang được lưu truyền lại như tấm gương còn sáng mãi.
Triển lãm Thư pháp lần này lấy tên gọi Nét đan thanh để gửi gắm tất cả những điều ấy qua những áng văn chương của những bậc tài danh xưa và nay. Những điều ấy đang được viết lại, trải ra, thể hiện qua từng nét viết, nét vẽ của những tác giả thư pháp, thư hoạ hiện nay.
>>> Câu chuyện "hồi sinh" khu di tích Văn Miếu từ 1898 đến 1954
Giám tuyển Nguyễn Thanh Tùng cho biết với ý tưởng đưa hơi thở đương đại vào thư pháp, vốn lâu nay mọi người vẫn hình dung là cổ điển, triển lãm lần này có sự thay đổi về góc nhìn, cách cảm nhận, sự tương tác giữa các tác phẩm thư pháp với người xem, giữa các nhà thư pháp với công chúng.
Điều các nhà thư pháp thể hiện tại triển lãm này là chữ và ánh sáng, cũng là tinh thần xuyên suốt tại triển lãm. Các tác phẩm trưng bày được thể hiện nổi bật trên nền ánh sáng. Chính ánh sáng tạo nên màu sắc, vẻ đẹp mới, mang đến cho các tác phẩm một cảm xúc mới. Đối với người xem đó là góc nhìn mới, đối với người chơi thư pháp đó là cách làm mới và cũng là điều các nhà thư pháp gửi đến công chúng.
>>> Hệ thống vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có gì mới?
Chia sẻ về triển lãm, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thấm đẫm tinh thần đạo học Việt Nam với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và trọng dụng nhân tài. Nội dung của các tác phẩm của các tác phẩm tham gia triển lãm lần này phần nào phản ánh được truyền thống tốt đẹp đó. Ban tổ chức hy vọng triển lãm sẽ tạo ra cảm hứng, động lực để các nhà hoạt động thư pháp, nhất là những nhà thư pháp trẻ có những sáng tạo trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy hoạt động thư pháp nói riêng và hoạt động văn hóa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung. Các tác phẩm được sắp đặt theo ý tưởng xuyên suốt trên cơ sở ứng dụng công nghệ ánh sáng. Thông qua đó, chúng tôi hi vọng sẽ mang đến cho công chúng một cái nhìn mới mẻ và hiện đại đối với nghệ thuật thư pháp của cha ông".
Có thể bạn quan tâm
Hệ thống vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có gì mới?
02:30, 25/05/2023
Câu chuyện "hồi sinh" khu di tích Văn Miếu từ 1898 đến 1954
14:42, 09/02/2023
Phát hành thẻ du lịch thông minh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
00:30, 10/10/2022
Nhiều hoạt động chào đón SEA Games 31 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám
09:39, 13/05/2022