"Vẽ" thêm cho bản đồ du lịch Việt không gian du lịch mới
Cần vẽ thêm cho bản đồ du lịch Việt Nam, mở rộng không gian du lịch mới, ví dụ như du lịch nông nghiệp thực sự giúp mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có.
>>>Hấp dẫn chuỗi hoạt động kích cầu du lịch Phú Quốc
Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, vừa qua ông có đi Vân Hồ, Sơn La, nơi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghé thăm, động viên vợ chồng Tráng A Chu người Mông làm du lịch cộng đồng. Họ có 60 phòng nghỉ homestay lúc nào cũng kín khách dù là bản rất heo hút.
Du lịch nông nghiệp mở ra bản đồ du lịch mới
“Thực tế trên cho thấy rằng tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của chúng ta rất lớn. Nếu các tập đoàn du lịch biết hỗ trợ thì tôi nghĩ rằng sẽ tạo ra kỳ tích", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng và Bộ VHTT&DL cần vẽ thêm cho bản đồ du lịch Việt Nam, mở rộng không gian du lịch mới. Rõ ràng du lịch nông nghiệp thực sự giúp mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có.
“Chúng ta nên có một tư duy mới về du lịch nông nghiệp. Dù nó mang lại nguồn thu không lớn nhưng đó là sức sống của cộng đồng, là bản sắc văn hóa của các dân tộc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Kể về kỷ niệm đi Tương Dương, Quỳ Hợp, Mường Lát, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có trao đổi với các đồng chí ở địa phương rằng phải chi các cộng đồng du lịch đang đầu tư ở Cửa Lò, Sầm Sơn chỉ cần kéo lên các tài nguyên du lịch ở miền núi của Thanh Hóa, Nghệ An, sẽ thấy sẽ là một sự kỳ diệu rất lớn đối với du lịch, sẽ mở thêm tài nguyên du lịch, kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách.
Đồng thời điều này giúp cho cả 1 cộng đồng bà con dân tộc với những sản phẩm OCOP, thổ cẩm, làn điệu… “Tôi nghĩ không có gì quá khó nếu các tập đoàn dấn thêm chút nữa”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Hoan, Việt Nam có nhiều di sản, có những di sản đã được UNESCO vinh danh và có những di sản ở trong lòng người dân. Một dòng sông, một ngọn núi, một bản sắc, một thổ cẩm, một điệu khèn… tất cả đều là di sản. Nếu coi di sản là sản phẩm du lịch mới của Việt Nam, không chỉ là Sơn Đoòng hay Cố đô thì sẽ kéo dài bản đồ du lịch, sẽ có khác biệt, mang lại giá trị rất lớn.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ trải nghiệm đi du lịch ở Thái Lan, ông thấy rằng, chỉ ghé vài điểm như Pattaya nhưng nếu đi vào cộng đồng nông thôn, nông dân của Thái Lan sẽ thấy nền du lịch nông nghiệp nông thôn của Thái Lan phát triển dựa trên tiềm năng nông nghiệp. 4 quốc gia gần nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan rất coi trọng điều này.
Đây là hình ảnh quốc gia, hình ảnh thiên nhiên, di sản ông cha ông để lại, câu chuyện huyền thoại từ ngọn núi, con sông. Bộ trưởng Hoan lấy ví dụ, nếu ở Nghệ An, chúng ta kết nối dòng sông Lam lên tới Kỳ Sơn thì ta thấy rằng bản thân sông Lam là di sản; nếu là sông Mã kết nối từ Mường Lát đổ xuống dưới cũng đã là di sản.
“Trên hành trình đó biết bao nhiêu cư dân nông thôn đã quần tụ bao đời, trở thành một điểm đến. Thử quy hoạch sông Mã từ khi bước vào địa phận Thanh Hóa trải dài xuống, chỗ nào cũng có điểm dừng chân cho du khách được, không cần quá lớn, chỉ cần chăm chút thêm sẽ trở thành một câu chuyện, du khách có thể ở hàng tuần, nửa tháng để trải nghiệm, khám phá đặc sắc Việt Nam”, Bộ trưởng Hoan bày tỏ.
Nhận định du lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, liên quan tới các vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó, phải có cách tiếp cận tương đối toàn diện, toàn cầu, toàn dân; "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển du lịch nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại.
Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch.
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao…
>>>Phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững
Sáu nhiệm vụ trọng tâm
Đặc biệt chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Việt Nam đã được xác định trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 là "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện", trong đó tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình...). Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - các tỉnh miền núi phía bắc; Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, TPHCM và phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang).
Tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế.
Tăng cường quan hệ hợp tác công-tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.
Thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công-tư trong phát triển du lịch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Giao thông vận tải tích cực trao đổi với Cơ quan hữu quan các nước bạn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi kết nối đường bay trực tiếp từ các thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm đến Việt Nam.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch đẩy mạnh khai thác du lịch đường bộ, khách qua biên giới (gồm cả du lịch bằng xe tự lái) và đường thủy (hiện đường bộ, đường biển còn ít, trong khi tiềm năng, dư địa còn lớn).
Chủ tịch UBND các cấp phát huy vai trò của người đứng đầu trong hoạch định, điều hành, chỉ đạo đổi mới tư tuy về quản lý và phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch".
Thứ hai, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động du lịch; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch.
Thứ ba, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh (du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe...).
Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường, đảm bảo khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm, truyền thống và từng bước mở rộng các thị trường mới tiềm năng. Thúc đẩy cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu. Thủ tướng lấy ví dụ, để thu hút khách du lịch theo Hồi giáo, cần chú ý cung cấp thực phẩm Halal, bố trí các địa điểm cầu nguyện phù hợp…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong xây dựng, xúc tiến, quản lý, phát triển các sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia và có tính liên vùng.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Bộ VHTT&DL xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng. Tăng cường năng lực, quy mô, tính hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia. Thực hiện rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý và vận hành để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Bộ Ngoại giao phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan đại diện, các tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài, các kênh ngoại giao... trong quảng bá, phát triển du lịch. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng vào các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi (như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Bình; Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế; TPHCM – các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL…)
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn kết hiệu quả xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam và các chương trình xúc tiến thương mại khác.
Thủ tướng cho rằng nghiên cứu, tổ chức nhiều hơn các festival phim, âm nhạc… quốc tế, giới thiệu, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ quốc tế sáng tác về Việt Nam, đề cập tới Việt Nam trong các tác phẩm nghệ thuật... Thủ tướng gợi ý tổ chức các sự kiện này tại một địa điểm nhất định để tạo điểm nhấn, thương hiệu.
Thứ năm, tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách - "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch". Tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa.
Thứ sáu, đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Đực biệt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nghiệp du lịch phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thủ tướng khẳng định: "Trên tinh thần "Lời nói đi đôi với việc làm", "việc hôm nay chớ để ngày mai", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch nhanh và bền vững".
Có thể bạn quan tâm
Phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững
10:51, 15/11/2023
Tiềm năng du lịch mạo hiểm
01:20, 15/11/2023
Định hướng cho du lịch phát triển bền vững ở Tây Nguyên
07:48, 14/11/2023
Nhiều tiềm năng lớn thúc đẩy phát triển du lịch giữa Việt Nam - Trung Quốc
02:00, 14/11/2023
Loại hình du lịch nào sẽ "lên ngôi" trong năm 2024?
03:00, 13/11/2023