"Mỏ vàng" du lịch y tế tại Việt Nam

PHẠM TUẤN 02/12/2023 03:33

Tại Hội nghị kết hợp giữa sở Y tế và Du lịch của TP HCM được tổ chức mới đây, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia khơi mở lên vấn đề này.

>>Du lịch y tế Đài Loan thu hút khách Việt

Chị gái tôi về Bắc ăn Tết dương lịch sớm, phần vì nhớ cái rét miền Bắc, phần vì năm nay kinh tế miền Nam trầm lắng ảm đạm.

Khách sạn của chị gái tôi nằm ở vị trí đẹp ngay gần ngã tư Hàng Xanh, thuộc quân Bình Thạnh, TP HCM, trước đây lúc nào cũng đông khách, mà năm nay có phòng cả tháng bán được vài ngày. Chị tôi phải cho nhân viên khách sạn nghỉ luân phiên, cố gắng duy trì hoạt động chờ qua giai đoạn khó khăn.

Qua chuyện chị kể thì kinh tế TP HCM thực sự khó khăn, hàng quán trả mặt bằng thuê, quán ăn vắng khách, khách du lịch ngoại quốc và nội địa đều đìu hiu. Không còn cảnh phố Tây - Bùi Viện tấp nập cả đêm, sáng ra hàng dãy xe to chạy đón khách đi các điểm du lịch. Chỉ có mỗi bệnh viện là vẫn đông, có cả người bệnh từ Campuchia sang điều trị.

Ra ngoài Bắc, chị vẫn liên tục nhận được các lời chào tour đi Phú Quốc, Nha Trang với giá rất rẻ, nhưng chị không đi mà tranh thủ đi kiểm tra hậu phẫu khối u nang ở bệnh viện 108. Chị nhận thấy số lượng người bệnh thực sự vẫn rất đông, có cả người bệnh người nước ngoài sang làm việc, công tác, cũng như bệnh nhân từ bên Lào sang điều trị.

Du lịch y tế là

Du lịch y tế là "mỏ vàng" cần được khai thác tại Việt Nam.

Chị buột miệng nói với tôi: "Phải chăng Việt Nam làm kết hợp được du lịch và điều trị bệnh tật thì sẽ có thêm nhiều khách trong thời điểm hiện tại. Có bệnh thì bắt buộc phải chạy chữa, bác sĩ Việt Nam thì giỏi, dọc ven biển có không biết bao nhiêu là resort, khu nghỉ dưỡng... có thể cải tạo thành bệnh viện, trung tâm chữa bệnh, vừa giảm tải cho bệnh viện ở các thành phố lớn, lại nâng cao hiệu quả điều trị".

Câu nói của người làm kinh doanh lâu năm quả thật rất hợp lý nhất là trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát… như hiện nay.

Du lịch Việt Nam cũng chưa phát huy hết lợi thế từ cảnh quan, điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi. Nhiều điểm du lịch như Sa Pa, Tam Đảo, Hạ Long, Phú Quốc... bị phá vỡ nét hoang sơ tự nhiên do xây dựng tràn lan mất kiểm soát, bê tông hoá, rác thải bừa bãi, môi trường ô nhiễm, dịch vụ kém cỏi làm khách một đi không trở lại. Làm tốt chỉ có Sơn Đòong, nhưng hiệu quả kinh tế không cao do giới hạn số lượng khách tham quan. 

Trở lại vấn đề y tế, số người bệnh Việt Nam lựa chọn sang Singapore, Pháp, Nhật Bản chữa trị không hề ít, làm chảy máu số ngoại tệ rất lớn, trong khi kết quả thì phần lớn không như mong đợi. Khi bác sĩ ở các bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện trung ương quân đội 108, bệnh viện Huế, bệnh viện Chợ Rẫy đã lắc đầu trả về thì có đi đâu thì kết quả cũng vậy thôi. 

Vậy tại sao các khu nghỉ dưỡng ngoài mấy việc trị liệu đơn giản như mát - xa, yoga, thiền, ngâm khoáng… không kết hợp với các bệnh viện mời bác sĩ, chuyên gia thăm khám điều trị, chuyển các phòng nghỉ thành giường bệnh cấp cao? Với điều kiện cơ sở vật chất của khu nghỉ dưỡng, không khí trong lành thoáng đãng, phòng ốc rộng rãi, tâm lý thoải mái sẽ hỗ trợ nhiều cho công tác điều trị, tiếng lành đồn xa, hiệu quả từ việc kết hợp điều trị - nghỉ dưỡng này sẽ kéo các người bệnh từ nước ngoài tới chữa bệnh, mang theo nhiều lợi ích kinh tế cũng như nâng cao năng lực, trình độ của bác sĩ khi điều trị cho người nước ngoài.

>>“Làm nóng” du lịch y tế Việt Nam

Mô hình du lịch y tế này không hề mới trên thế giới. Nhiều quốc gia phát triển Medical Tourism từ sớm và theo chuyên ngành ở Bắc Âu như Italia, Thuỵ Điển, Đức rất mạnh về chăm sóc chữa trị nha khoa như điều trị tuỷ răng, làm răng sứ, răng implant... Phẫu thuật thẩm mỹ thậm chí chuyển giới thì người ta nghĩ ngay đến Thái Lan, Hàn Quốc. Ở Mỹ hay châu Âu cũng rất mạnh về phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng giá quá cao, vượt xa khả năng chi trả của nhiều người. Còn mắc bệnh trầm trọng như ung thư hay cấy tế bào gốc thì người bệnh hay lựa chọn Nhật Bản, Singapore. Chữa trị tim mạch thì Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Đức đều là những quốc gia nổi tiếng…

Việt Nam nắm bắt lĩnh vực này chưa kịp thời. Mới đây, hội nghị kết hợp giữa sở Y tế và Du lịch của TP HCM có nhiều ý kiến của các chuyên gia khơi mở lên vấn đề này. Việt Nam còn có lợi thế về điều trị chữa lành bằng Nam dược, Đông y có thể kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền lực lượng y bác sĩ chuyên môn giỏi, tay nghề cao có thể đáp ứng được việc thăm khám, điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh.

Ở những khu du lịch có đặc thù kinh doanh một mùa như Đồ Sơn - Hải Phòng hoàn toàn có thể chuyển đổi thành trung tâm điều trị trị liệu cũng như mô hình viện dưỡng lão cho cả khu vực miền Bắc.

Nếu không mở thêm loại hình dịch vụ, tạo sự khác biệt chuyên sâu kết hợp y tế thì du lịch Việt Nam mãi không thoát được cảnh ăn đong một mùa, làm theo trào lưu để đến lúc cung vượt cầu thì có kích cầu đến mấy cũng không thể lên được vì tiềm năng nguồn lực chỉ đến như vậy.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàn Quốc: Du lịch y tế là ngành kinh kế mũi nhọn

    21:44, 02/12/2022

  • Du lịch y tế Đài Loan thu hút khách Việt

    15:00, 19/11/2019

  • Du lịch y tế, “miền đất hứa” của các công ty khởi nghiệp

    04:26, 30/07/2018

  • “Làm nóng” du lịch y tế Việt Nam

    06:10, 07/04/2018

PHẠM TUẤN