Trả lại giá trị cho từng khu vực kinh tế

Hà Phương thực hiện 04/05/2019 11:10

Kinh tế tư nhân (KTTN) được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng số liệu thống kê cho thấy, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP hiện nay chỉ khoảng 9%, tăng khoảng 1%.

Kinh tế tư nhân (KTTN) được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng số liệu thống kê cho thấy, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP hiện nay chỉ khoảng 9%, tăng khoảng 1% kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2000 có hiệu lực. Điều này có bất hợp lý hay không? Báo DĐDN đã cuộc trao đổi với TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG xung quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, không chỉ tạo đối trọng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, các tên tuổi như Vingroup (hoạt động đa ngành); SunGroup (du lịch, bất giải trí); Novaland (bất động sản), Tập đoàn TH (sản xuất sữa) Tập đoàn Hòa Phát (công nghiệp thép); Vietjet Air (vận tải hàng không)...

Đặc biệt, hai năm vừa qua, có dấu hiệu về sự suy giảm trong đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, trong khi khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án quan trọng. Riêng tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện ba công trình trọng điểm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long và tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Các dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng, đặc biệt được đầu tư bởi công ty tư nhân - SunGroup.

- Thưa ông, rất nhiều ý kiến cho rằng, khu vực KTTN tiếng là đã được “cởi trói” nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều rào cản?

Mặc dù về chủ trương, đường lối, khu vực KTTN đã được "cởi trói" nhưng thừa nhận là trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản về nhận thức, môi trường kinh doanh, sự bất bình đẳng cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế quan trọng này.

Các giải pháp cải thiện môi trường hiện nay chưa đủ để hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những "rào cản" về thể chế cùng với yếu kém nội tại là nguyên nhân khiến KTTN Việt Nam phát triển chưa tương xứng tiềm năng, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều đột phá nếu so các quốc gia trong khu vực. Vẫn còn sự phân biệt doanh nghiệp dựa trên hình thức sở hữu, dẫn tới phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân với các thành phần kinh tế khác.

- Theo ông, giải pháp nào để hóa giải “rào cản” này?

Cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức mới có thể phát triển KTTN trở thành động lực tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Về phía các doanh nghiệp, cần bảo đảm đáp ứng được năm yếu tố quyết định, gồm: chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tham gia sâu vào quá trình cổ phần hóa DNNN; được hưởng ưu đãi khi tham gia vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới; có giải pháp đột phá để chấm dứt cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước…

- Thưa ông, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thực tế thì đã có nhiều thay đổi. Chính phủ luôn cải cách, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhưng nhìn vào con số giải thể, phá sản của doanh nghiệp thì không giảm, thậm chí tăng, logic ở đây là gì?

Tôi cho rằng, có thể tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp đang có xu hướng giảm xuống. Doanh nghiệp đang bị cạnh tranh mạnh, thị trường bị co hẹp lại khiến lợi nhuận bị giảm đi. Trong khi đó chi phí hoặc không giảm, hoặc giảm không đáng kể, khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp tục ở lại trên thị trường.

p/Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Quảng Ninh thông xe kỹ thuật cuối năm 2018 với sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Quang Toàn

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Quảng Ninh thông xe kỹ thuật cuối năm 2018 với sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Quang Toàn

Như vậy, có thể thấy các giải pháp cải thiện môi trường hiện nay chưa đủ để hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thời kỳ 2000 – 2007, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp rất mạnh, số doanh nghiệp giải thể so với doanh nghiệp thành lập chỉ ở mức 20 – 25%, trong khi hiện nay là 80%.

Tôi cũng cho rằng, cơ hội kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân chưa được cải thiện. Dư địa đã cạn dần.
- Số liệu thống kê cho thấy, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP đến nay chỉ khoảng 9%, tăng được khoảng 1% kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực năm 2000. Theo ông, điều này có bất hợp lý hay không?
Tôi hoàn toàn nghi ngờ về con số này và cho rằng thực tế đóng góp của doanh nghiệp tư nhân còn lớn hơn rất nhiều. Chúng ta phải đánh giá lại con số thống kê một cách chính xác, từ đó góp phần thay đổi những nhận định chính trị. Bởi những nhận định không đúng sẽ là rào cản căn bản đối với phát triển đất nước nói chung và khu vực KTTN nói riêng.

Mặt khác, nếu nhìn vào thành phần kinh tế, khối FDI đang có sự gia tăng, khiến cho tỷ trong của khối doanh nghiệp nội địa (tư nhân và DNNN) giảm xuống.

Để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển, theo tôi cần ghi nhận và thống kê một cách chính xác, sẽ góp phần thay đổi những nhận định tư duy sai lầm.

- Xin cảm ơn ông!

BBT mong nhận được bài viết của các chuyên gia, doanh nghiệp và độc giả đóng góp cho sự phát triển của kinh tế tư nhân tại:
kinhtetunhan@dddn.com.vn

Hà Phương thực hiện