Lợi nhiều hơn thiệt, tội gì không sai?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc vừa ký văn bản số 386/BC-BTP báo cáo Chính phủ công tác bồi thường nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp năm 2018. Đáng chú ý, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là 32,82 tỷ đồng, nhưng cán bộ làm sai chỉ mới hoàn trả được 166,6 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm |
Chính phía Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: “Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cơ quan có trách nhiệm bồi thường đối với người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại còn chậm và đạt tỷ lệ thấp cả về vụ việc (9 vụ việc) và về giá trị tiền (166,6 triệu đồng), làm cho tác dụng răn đe, giáo dục trong xử lý trách nhiệm người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung chưa cao”.
Nhìn nhận một cách thấu đáo, có thể thấy rằng cách giải quyết vấn đề "bồi thường oan sai" hiện nay là để cho xã hội được công bằng hơn. Tuy nhiên, thực tế lại đang rất không công bằng và phi lý. Đó là, những người tạo ra sự oan sai đó (trong đó có những người có được rất nhiều lợi ích về kinh tế từ sự oan sai) thì không bị đền hoặc đền rất ít, có người còn vẫn tại vị, thậm chí còn vẫn thăng tiến trong bộ máy nhà nước.
Trong trường hợp này, cái xót lớn nhất là không thể bồi thường đúng và đủ cho người bị oan sai và những người thân của họ về tổn thất tinh thần mà họ phải chịu. Cái thứ nữa là cán bộ vẫn “vô tư” làm sai vì tư tưởng “có gì đã có Nhà nước chịu” và “cha chung không ai khóc”. Những sự việc này đã khiến cho người dân mất niềm tin vào bộ phận người “cầm cân nảy mực”. Bên cạnh đó, việc không nghiêm từ ngay chính cơ quan thực thi pháp luật còn làm luật bị “nhờn” đi.
Dưới góc nhìn của một công dân, không có một ai đồng tình việc này cả. Bởi, cán bộ ngành Tư pháp cũng như bao công,viên chức khác, họ cũng ăn lương từ ngân sách, mà làm sai thì không phải bỏ tiền túi ra bồi thường. Còn, những người dân, đa phần phải nai lưng ra làm từng đồng, vừa phải đóng thuế nuôi những công chức này, lại vừa phải thay các vị “quan” xử sai bồi thường cho những người bị oan sai. Như vậy có lý và công bằng không?
Trong bối cảnh điều hành ngân sách căng thẳng hiện nay, chúng ta cần bổ sung ngay những cơ chế giám sát hiệu quả hơn. Chẳng phải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát đi thông điệp “Cần có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân” đấy sao?
Đúng là, gần 33 tỉ đồng, xét tổng thể, nó chẳng thấm tháp vào đâu so với hàng ngàn tỷ thất thoát do tham ô, tham nhũng. Nhưng đó cũng là tiền ngân sách, mà tiền ngân sách là tiền thuế của dân mà.
Vậy nên, nếu không có giải pháp kiên quyết đối với số cán bộ vô trách nhiệm, gây ra oan trái mà không những không phải bỏ ra đền bù số tiền mình gây ra mà còn được những cái “đố ai biết được”, thì chắc chắn các vụ việc oan sai sẽ tiếp tục.
Chúng ta thường nói nhiều về kỷ luật ngân sách, trách nhiệm người đứng đầu. nhưng rốt cuộc vẫn là kiểu “quan sai thì dân chịu”! Số tiền do “quan” làm sai gây ra đối với người bị oan sai thì vô cùng nhỏ, vì “quan” có mất gì đâu. Trong khi, lợi nhiều hơn thiệt, thì tội gì không sai? Chỉ có ngân sách bị thâm hụt bằng muôn cách “đục khoét” khác nhau và cũng chỉ người dân chúng tôi là thấy xót xa?!