Bấp bênh những phận người nhường đất cho dự án
Nông dân – những người “nhường” đất để phát triển dự án đang bị kéo vào vòng xoáy của quá trình đô thị hóa. Và vòng xoáy đó, ranh giới giữa giàu – nghèo, giữa phát triển và thụt lùi chưa bao giờ lại mong manh đến thế
Nếu như cách đây 4 – 5 năm xây dựng một ngôi nhà tiền tỷ, sắm xe sang là giấc mơ của nhiều người dân tại 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam) thì giờ đây nó là câu chuyện rất bình thường ở huyện. Nguyên nhân xuất phát từ việc giải tỏa đền bù phục vụ cho quá trình xây dựng CNH – HĐH từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, có hộ nhận bồi thường lên đến hàng tỷ đồng. Và câu chuyện nông dân trở thành tỷ phú chưa bao giờ lại dễ dàng đến thế!
Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Xuyên, từ 31/12/2015 cho đến hết năm 2017, số tiền bồi thường cho việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu nghĩ dưỡng Nam Hội An tại 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải là gần 300 tỷ đồng cho 1161 hộ dân. Nếu thực hiện một phép chia đơn giản thì có thể tính được mỗi hộ dân sẽ nhận được ít nhất là 300 triệu đồng, thậm chí có nhiều hộ gia đình số tiền đền bù lên con số hàng tỷ.
Con đường trở thành tỷ phú có thể hiện thực hóa chỉ sau một đêm nhưng theo quy luật, những cái đến bất ngờ và chưa có sự chuẩn bị thì thường tiềm ẩn những rủi ro và câu chuyện đổi đời nhanh chóng của người dân 2 xã trên cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Khi người giàu cũng khóc
Ở cái tuổi 90 như cụ ông Trần Văn Hương trú tại thôn Tây Sơn Đông, Duy Hải cứ ngỡ nhận một khoản tiền đền bù để an dưỡng tuổi già là niềm vui lớn nhất nhưng ai ngờ từ đây cũng kéo theo những bi kịch gia đình.
Khác hẳn với cảnh nhộn nhịp bên ngoài khi các công trình xây dựng nhà ở, khuôn viên đang ráo riết để kịp đón tết âm lịch, thì ở một góc nhỏ của khu tái định cư kiểu mẫu này là nỗi buồn của 2 vợ chồng già. Căn nhà bề thế ấy gần một tháng nay thiếu bóng người do vợ ông Hương phải nhập viện vì bị thương ở tay và ông phải vào viện săn sóc. Vì 250 triệu mà người con trai út ra tay đánh mẹ già, lúc này mới thấy được ma lực đồng tiền có uy quyền như thế nào. Cũng chỉ vài ngày sau đó, đứa cháu trai đã “cõng” mất đi 420 triệu của 2 vợ chồng ông. “Số tiền lớn như vậy nhưng khi bị công an bắt trong túi nó chỉ còn 4 triệu”, lời chia sẻ chất chứa nhiều tâm trạng của ông Hương.
670 triệu nhận được từ việc bồi thường chưa kịp mừng đã mất trong ít ngày. Không nỡ để con cháu vướng vào vòng lao lý đành bất lực nhìn số tiền mà cả đời chỉ dám mơ “bay” đi mất. Đó không chỉ là câu chuyện của gia đình ông Hương mà còn là nỗi buồn chung của chị Trịnh Thị Sự.
Cách nhau chỉ một con đường lớn, đều là những người dân nhận tiền bồi thường để thực hiện dự án được bố trí trong khu tái định cư, đều có những ngôi nhà bề thế khang trang và chung luôn nỗi lòng về con cái.
Chị Sự có 5 con trai, nhưng hết 4 người rơi vào cảnh nghiện ngập, cờ bạc. Căn nhà 2 tầng là tài sản quý giá nhất còn lại số tiền tỷ mà gia đình nhận được từ bồi thường đã “sẩy” đi vì “không thể nhìn cảnh con bị giang hồ dọa chém”.
Câu chuyện của ông Hương và bà Sự chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp các hộ dân khi nhận tiền đền bù chưa có mục đích sử dụng đúng đắn sinh ra cảnh “nhàn cư vi bất thiện”, và đó cũng là lý do vì sao “người giàu cũng khóc”. Là khúc nhạc buồn trong bản nhạc mà lẽ ra người ta chỉ thấy toàn những điều hay ho và tốt đẹp.
Họ sẽ làm gì ở nơi ở tái định cư khi mất đất sản xuất? Cứ cho là nhận được đủ tiền đền bù và thỏa đáng thì liệu rằng họ đã sống ổn định chưa và tương lai khi số tiền đền bù đã sử dụng hết vào việc xây nhà, mua xe... thì cuộc sống sau này của họ sẽ như thế nào? Nhiều câu hỏi đặt ra nhưng đều bị bỏ ngõ và cần được giải đáp.
Mang nhiều tâm trạng khi rời nhà của ông Hương và bà Sự, vô tình đi ngang qua hộ gia đình anh Nguyễn Sơn, một niềm vui lại bắt đầu len lỏi giữa một buổi chiều đông có phần trầm buồn.
Mới 4h00 chiều 2 vợ chồng anh đã cơm nước xong xuôi, chuẩn bị mọi thứ cho cuộc ra khơi tối nay. Trong nhà người vợ đang nấu ít thức ăn để mang theo, còn anh Sơn kiểm tra lại lưới cá. Người đàn ông tỏa ra mùi mặn của biển, làn da rám nắng, bắp tay săn chắc cùng với ánh mắt hồ hởi chia sẻ với chúng tôi niềm vui khi sắp được ra khơi sau một thời gian đóng thuyền do thời tiết xấu. Khi lân la hỏi chuyện, anh Sơn cũng cho biết: “nhờ số tiền bồi thường 2 vợ chồng có một căn nhà khang trang hơn, mùa mưa bão không còn cảnh nơm nớp lo sợ”. Và cũng nhờ số tiền bồi thường, 2 vợ chồng đã sửa sang lại chiếc thuyền để tiện cho đánh bắt xa bờ.
Cuộc trò chuyện chỉ kéo dài tầm mươi phút nhưng đủ thấy được tinh thần lạc quan và niềm vui của những người dân chài biển như anh Sơn khi “trời yên biển lặng”. Xin theo 2 vợ chồng anh ra bến, quang cảnh buổi chiều tà bỗng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn nhờ tiếng nói cười của người dân chài biển.
Buồm đã căng, mọi thứ đã sẵn sàng và vợ chồng anh Sơn cùng những ngư dân đã sẵn sàng cho một hành trình đầy hứa hẹn!
Khi cơ hội được gửi gắm
Trước đây Duy Nghĩa và Duy Hải được biết đến là 2 xã khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn huyện, đời sống người dân phần lớn phụ thuộc vào trồng trọt và đi biển. Nhưng hiện nay cùng với nhiều dự án được xây dựng để khai thác thế mạnh du lịch trên địa bàn huyện cụ thể là 2 di sản văn hóa thế giới: Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, thì việc giải tỏa đền bù thu hẹp đất nông nghiệp để thực hiện dự án phục vụ lợi ích của tỉnh nhà là việc làm tất yếu.
Hiện nay dự án lớn nhất là khu nghĩ dưỡng cao cấp Nam Hội An với diện tích lên đến 985,6 ha trải rộng ở 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa thuộc huyện Duy Xuyên và xã Bình Phước thuộc huyện Thăng Bình với tổng số vốn đầu tư lên 4 tỷ USD, do tập đoàn VinaCapital và tập đoàn Gold Yield Enterprises đầu tư. Đây là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất tại Quảng Nam tính đến thời điểm hiện tại và hứa hẹn trong tương lai sẽ trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.
Được ưu đãi khi có Hội An và Mỹ Sơn làm tiền đề để phát triển kinh tế - du lịch và hiện nay là Khu nghĩ dưỡng cao cấp Nam Hội An có vị trí đắt địa, tạo ra những cơ hội mới cho phát triển tỉnh nhà. Nhưng song song đó là câu hỏi đang được đặt ra: Những người dân bị thu hồi đất để triển khai làm dự án sẽ làm gì với số tiền bồi thường nhận được để thực hiện đúng tinh thần “an cư lạc nghiệp”?