Tinh giản biên chế: Chưa bao giờ hết “nóng”!
Tinh giản biên chế vẫn là chủ trương lớn, được chỉ đạo từ nhiều năm tuy nhiên, khi thực hiện vẫn không tinh giảm được mà thậm chí còn tăng lên
Tuy nhiên, nói tới việc tinh giản biên chế đã rất ngại chứ chưa nói đến làm, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi từng cá nhân, từng cơ quan. Nên đây thật sự là vấn đề nan giải không dễ “xử lý” trong ngày một ngày hai.
Còn nhớ, khoảng hơn mười năm trước đã có đợt tinh giản biên chế và Nhà nước đã chi ngân sách để hỗ trợ cho người bị tinh giản rất nhiều. Nhưng sau đó bộ máy nhà nước lại phình to hơn khi tuyển dụng nhân sự và sự hình thành nhiều ban bệ mới. Số gần 30% cán bộ “vác ô” hiện nay là minh chứng cho việc này!
Có thể bạn quan tâm |
Thông tin tại Hội nghị tổng kết hoạt động kiểm toán năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa diễn ra mới đây cho biết, chỉ tính riêng trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế.
Một số bộ, cơ quan ngang bộ còn dư biên chế với số lượng khá lớn. Cụ thể như Bộ Tài chính còn dư 6.318/71.714 biên chế, Bộ Tư pháp dư 385/9.807 biên chế, Bộ Nội vụ còn dư 492/872 biên chế, Bộ Ngoại giao dư 334/1.179 biên chế, Bộ VH-TT&DL dư 126/586 biên chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư 604/4.986 biên chế tại các vụ, cục...
Trong đó, cấp Trung ương nói chung bị dôi dư khá nhiều các vị trí số Thứ trưởng, Cục trưởng tại các Cục, Phó Cục trưởng tại các cơ quan Trung ương, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng…
Còn cấp địa phương, KTNN điểm mặt 11 địa phương sử dụng vượt biên chế công chức là: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An.
Nhiều người nói rằng Việt Nam có thể tham khảo một cách làm cương quyết của Nhật Bản đó là: “Họ đưa ra “trò chơi tổng luôn bằng không”, quy định bộ nào, địa phương nào muốn lập thêm cơ quan thì phải giảm một cơ quan, tăng thêm bao nhiêu biên chế cũng được nhưng bắt buộc phải giảm bằng ấy số người xin tăng. Như vậy rốt cuộc số tăng giảm bộ máy và công chức luôn bằng không”.
Liên quan tới vấn đề tinh giản biên chế, người viết còn nhớ vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng đã đưa ra một ví dụ về nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thành như thế này: Nếu chỉ giảm chi thường xuyên 1% trong 2 năm liên tiếp là gần đủ tiền giải phóng mặt bằng cho sân bay này với khoảng 20.000 tỷ đồng.
Đấy, chỉ giảm chi 1% như ông Phạm Minh Chính nói thì đã làm được khối việc lớn cho quốc gia. Lợi ích nó sờ sờ trước mắt, nhưng “khó vẫn hoàn khó”. Hẳn ai cũng biết, cơ cấu “công viên chức” bây giờ khiến cho nhiều trường hợp ngại va chạm, chưa kiên quyết, có tâm lý nể nang, né tránh, tâm lý “anh không đụng đến tôi thì tôi cũng không đụng đến anh”. Thậm chí, có khi chưa tinh giản được họ thì “họ đã tinh giản mình rồi”.
Bên cạnh đó, khó là không xác định được cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi đó ở một số nơi, việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức lại quá dễ dàng.
Song song, số cán bộ phải cắt giảm, dôi dư sẽ đi đâu, làm gì là bài toán khó và rất khó. Đây là vấn đề liên quan đến chính sách, đến tập quán tình cảm và đời sống của gia đình họ, cần tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.
Chính vì thế mà đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nói: “Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản bộ máy chưa chuyển biến về chất, chủ yếu về lượng. Giảm đầu mối ở trên thì lại “phình” ở dưới. Giảm được số lượng người trong bộ máy chủ yếu là về hưu, chuyển ngành, chuyển công tác. Chưa phải là sự thanh lọc thực sự”.
Qua đây chúng ta thấy, tình trạng tinh giản biên chế vẫn rất “nhỏ giọt” ở các cấp bộ, ngành lẫn địa phương dù chủ trương, chính sách đã có. Do đó, chuyện tinh giản biên chế tại nghị trường Quốc hội, cho đến dư luận ngoài xã hội chưa bao giờ hết “nóng”, bởi lộ trình đã vạch ra nhưng việc thực thi hầu như vẫn bất động.