Xin hãy giữ cái hồn cho phố Hội!
Chuyện người Việt hành hung khách du lịch ngoại quốc không phải là điều gì đó hiếm hay bất ngờ. Khắp đâu đó trên dải chữ S này người ta vẫn nghe, vẫn bình luận râm ran về một trong những hành vi xấu này vì nó ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch.
Mới đây, TP Hội An (Quảng Nam) có một nhóm khách mang quốc tịch Pháp bị một nhóm người Việt cướp tiền, hành hung khiến nhóm khách người Pháp bị thương, trong đó có người phải khâu ở ba vị trí khác nhau với tổng cộng 11 mũi trên vùng đầu, cơ thể. Việc này khiến cho dư luận bất bình và cho là nó làm xấu đi hình ảnh của Hội An.
Trước đây đã từng có chuyện chủ một sạp tại Trung tâm thương mại Saigon Square đã có mâu thuẫn và cầm 1 lưỡi cưa chém làm đứt gân tay một du khách mang quốc tịch Mỹ rồi tẩu thoát khỏi hiện trường.
Hay như vụ ẩu đả xảy ra tại phố Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM). Người bảo vệ đã ra một đòn hiểm khiến người thanh niên ngoại quốc đã bị đánh gục tại chỗ và tỏ ra choáng váng, không gượng dậy nổi...
Dù rằng mỗi nơi mỗi khác và khách du lịch ngoại quốc cũng có năm bay loại khách, nên cần phải có cái nhìn khách quan. Có điều, chuyện hành hung khách du lịch xảy ra ở Hội An là một điều khó chấp nhận. Vì đây là được ví là cái nôi văn hóa, là mảnh đất ân tình.
Nhà thơ Phùng Tấn Đông từng viết: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Người Quảng Nam, người Hội An, khi dạy dỗ con cái chăm chút từng lời ăn tiếng nói, gặp người lớn chẳng phải bà con thân thuộc cũng xưng hô ông, bà, cô, dì, chú, bác như thể ruột rà; với khách ở xa thì vừa thân thiện hiếu khách vừa giữ gìn vẻ lịch lãm riêng.
Sự chừng mực, vừa phải sao cho đủ hài hoà trong giao tiếp phải chăng là “minh triết” dân gian ở một vùng đất sớm có sự tiếp biến, tích hợp, giao lưu văn hoá.
Nơi đây, có lẽ là thành phố duy nhất còn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm chất phương Đông, những ngôi nhà cổ, chùa cầu, lồng đèn, nhang trầm và văn hóa. Tất cả những vẻ đẹp ấy của Hội An đều đem đến cho ta cảm giác được tìm về nguồn cội, để rồi học cách yêu nó hơn, học cách trân trọng văn hóa ngàn đời của cha ông hơn nữa.
Đấy, chuyện đất và người, văn hóa Hội An đã góp phần tô thêm vẻ đẹp trong lòng du khách. Đó cũng là nguyên do lượng khách du lịch ở đây luôn tăng.
Theo báo cáo, năm 2017 Hội An đón tổng cộng 3,22 triệu lượt khách tham quan lưu trú, số du khách cao nhất từ trước đến nay. Tăng đến 21,66% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, có 1,78 triệu lượt khách quốc tế và 1,44 triệu lượt khách nội địa đăng kí tham quan lưu trú ở Hội An trong năm 2017.
Riêng khách tham quan phố cổ đạt 2,38 triệu lượt (tăng 28,16%), khách tham quan đảo Cù Lao Chàm đạt hơn 400 nghìn lượt. Tổng lượt khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt với công suất sử dụng buồng phòng khoảng 51%.
Phải nói rằng, khách du lịch nước ngoài, họ đến Việt Nam vì đây là đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, kho tàng văn hóa truyền thống và đặc biệt là con người thân thiện. Ðó chính là chiếc chìa khóa quan trọng trong việc kết nối văn hóa, đem lại sự hài lòng và cả động lực thúc đẩy bạn bè quốc tế tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến.
Và với riêng Hội An, dù là ai đi nữa, một người tri thức hay một người “buôn thúng bán bưng”, người lái xe ôm cũng đều là những người truyền cảm hứng về thành phố cổ kính này. Chính sự hồn hậu, chân chất của những con người nơi đây đã khiến du khách bịn rịn không muốn rời xa bởi: Người Hội An thân thiện quá!
Vậy nên, đừng để những hành vi “chặt chém”, hành hung du khách có đất sống ở mảnh đất này. Xin hãy giữ cái hồn hậu, thân thiện của người phố Hội!