Những giống chó lừng danh đất Việt
Không chỉ là giống thú hoang, từ bao đời nay những giống chó muôn hình vạn trạng trên thế giới từ vị trí chó săn, kéo xe trượt, trợ thủ đắc lực… dần dần trở thành thú cảnh, bạn thân gắn bó mật thiết với con người.
Có rất nhiều giống chó đặc trưng vùng miền khác nhau trong thế giới của con người; từ giống chó nhỏ nhất Chihuahua có trọng lượng trung bình khoảng hơn 1kg của châu Mỹ, đến giống chó ngao Anh khổng lồ khi trưởng thành nặng trên 1 tạ.
Nhân dịp năm Mậu Tuất, xin tản mạn đôi chút về loài khuyển chí đa tình, thủy chung tuyệt đối với con người. Ở Việt Nam, cho đến ngày nay còn không nhiều giống chó lừng danh.
Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin nói tới bốn giống chó được coi là có đặc trưng, thuần chủng của nước ta.
Chó H’Mông cộc đuôi vùng Tây Bắc
Tầm vóc trung bình, tương đương như chó ta phổ biến ở các vùng nông thôn, khung xương rộng, đầu to và toàn thân khá cơ bắp, đậm chắc, có dáng vẻ dũng mãnh. Đặc điểm của giống chó săn cổ xưa với hàm răng sắc, nanh dài nhiều cạnh để cắn cổ và xé thịt con mồi được lưu lại điển hình ở giống chó H’Mông đuôi cộc hoặc đuôi cộc. Đặc trưng của giống chó này là không gì thoát khỏi cặp mắt tinh tường đầy nhãn lực và đôi tai tam giác dựng đứng, luôn luôn sẵn sàng tấn công con mồi và bảo vệ chủ. Bản năng bảo vệ lãnh thổ và sự trung thành đến cực đoan: nghe lời của một chủ duy nhất, thà nhịn đói đến chết chứ không chịu ăn thức ăn từ người khác, chắc chỉ có ở H’Mông cộc đuôi mà thôi.
Người H’Mông thường sống trên những vùng núi cao, thời tiết khắc nghiệt nên chó H’Mông cộc đuôi cũng thích ứng tốt trong điều kiện như thế. Diện tích rừng hiện nay thu hẹp rất nhiều so với cách đây chừng nửa thế kỷ, các loài chim thú hoang dã là nguồn thực phẩm săn bắt của đồng bào dân tộc ngày càng khan hiếm nên cho đến ngày nay, chó H’Mông chủ yếu được các gia đình nuôi để giữ nhà thay vì cùng tham gia vào các cuộc săn lẫy lừng một thuở. Đồng bào dân tộc còn tương truyền rằng, hầu hết mọi giống chó khi ngửi thấy hơi cọp là len lét, dúm dó, không dám sủa mà chỉ rên ư ử. Riêng chó H’Mông từng tham chiến cùng với cánh thợ săn, chiến đấu với cọp dữ thuở rừng rú còn hoang vu, cư dân còn định cư thưa thớt heo hút trên các triền núi vùng Tây Bắc thuở nào. Người dân miền núi đi săn với chó H’Mông không bao giờ sợ lạc trong rừng thẳm, một phần nhờ khả năng nhớ đường tuyệt vời mang tính thiên bẩm của loài chó này.
Ngày nay, giống chó H’mông cộc đuôi cũng được không ít người từ dưới xuôi kiếm tìm và nhân giống. Trong điều kiện phố thị, chó H’Mông cũng thích nghi khá tốt.
Chó Phú Quốc - giống chó đặc hữu ở đảo Phú Quốc
Giống chó rất thông minh và trung thành này là niềm tự hào của người dân đảo Phú Quốc. Đặc điểm dễ phân biệt với các loại chó khác nhất là các xoáy lông ở trên sống lưng. Hiện ở Việt Nam chưa phát hiện giống chó nào khác có xoáy lông như thế. Khi săn mồi hoặc gặp kẻ thù, những xoáy này sẽ dựng lên trông rất dũng mãnh. Chó Phú Quốc chạy rất nhanh, biệt tài bơi lội và bắt cá ngoài bãi biển theo đồn đại là nhờ 4 chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt rất ngắn. Một thời gian rất dài, người nuôi chó vẫn đồn rằng, không thể đem chó Phú Quốc về đất liền nuôi nếu không mang theo chút đất của Phú Quốc về cùng. Thực tế không phải vậy, chó Phú Quốc ngày nay có thể sống tốt ở nhiều nơi và nhân giống rộng rãi. Tuy nhiên, những người dân đảo Phú Quốc vẫn thích những chó con được sinh ra trong hang, đúng theo cách mà giống chó Phú Quốc từng tồn tại ở chính hòn đảo này và sinh tồn qua bao thế hệ.
Một thời, người ta đã có ý định xây dựng một đội ngũ cảnh khuyển từ chó Phú Quốc thay cho loài berger nổi tiếng khắp thế giới của Đức, nhưng có lẽ việc chăm sóc và gây giống lúc đó gặp khó khăn nên không thành công.
Chó Bắc Hà - loài chó đẹp, thông minh
Chó Bắc Hà lông xù là giống chó xuất hiện khá sớm trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Đồng bào H’Mông vùng núi Bắc Hà (Lào Cai) nuôi để làm chó săn đồng hành trong những chuyến đi rừng và làm chó bảo vệ ngôi nhà của mình.
Đặc điểm của chó Bắc Hà là lông xù, màu sắc đa dạng từ đen, vàng, vện, đen trắng hoặc xám, hung đỏ; cổ gáy lông mọc thành bờm như loài ngao Tây Tạng. Lông đuôi hình bông lau kiểu đuôi sóc trông rất đẹp.
Chó Bắc Hà rất nhanh nhẹn và hoạt bát, phản xạ nhanh nhạy và đặc biệt thông minh. Tính bầy đàn khá cao nên khi xưa thường ít được nuôi đơn lẻ. Hiện nay giống chó này được rất nhiều người nuôi yêu thích.
Chó Lài - huyền thoại của núi rừng
Chó Lài là loài chó mang vẻ đẹp hoang dại và nhiều đặc điểm của chó sói. Vì thế, người ta vẫn cho rằng, chó Lài chính là hậu duệ của loài chó cỏ bản địa lai với chó sói rừng và giữ gìn được bộ gien quý qua nhiều thế hệ tới ngày nay. Người Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi bình định đất Đông Dương gọi giống chó này là Dingo Đông Dương.
Có không ít huyền thoại và ghi chép về các đặc điểm nổi trội và tính hung tợn của chó Lài. Ngày đó, ở vùng rẻo cao ven rừng núi, nhà ai nuôi chó Lài cả năm không lo thiếu thịt thú rừng. Khi đi săn có những con dám xả thân đối đầu với hổ, gấu, lợn lòi để bảo vệ chủ. Loài chó này còn được coi là khắc tinh của ma quỷ, nuôi trong nhà thì át vía tà yêu.
Dáng vẻ cao lớn, tai to, sức khỏe phi thường, vô cùng nhanh nhẹn, dũng mãnh và trung thành với chủ. Chó Lài chân rất cao đảm bảo chạy nhanh và sẵn sàng đeo bám đến cùng con mồi. Vua leo trèo chênh vênh trên mỏm đá là sơn dương nhiều khi cũng phải thua vì chó Lài đeo bám, nhảy lên lưng, dùng mõm cắn chặt cổ, kết liễu và lôi xác về. Loài báo, khi đã leo lên cây, gặp chó Lài ở dưới đất cũng e ngại. Trăn gió nuốt nổi cả con hươu cũng thúc thủ khi bị chó Lài tấn công.
Bản tính tinh khôn, khi đi săn, chó Lài thường đi cặp, gặp con mồi cả hai con cùng lao vào với mãnh lực khủng khiếp, không hề sủa bóng rồi cúp đuôi chạy như giống chó nhà. Người ta thường nuôi chó Lài từng đôi để đi săn, để phát huy tác dụng của lối tấn công bẩm sinh của nó. Khi săn cọp, phường săn tung vào trận khoảng chục con chó Lài để làm vướng chân cọp và tận dụng sức tấn công bày đàn như cách mà lũ sói hoang vẫn sử dụng lúc săn mồi.
Cuộc sống ngày nay đã không còn dựa nhiều vào săn bắt, hái lượm từ thiên nhiên nên uy lực săn bắt của các loài chó có phần mai một. Ngày nay, người ta nuôi chó làm cảnh, làm bầu bạn hàng ngày, đặc biệt ở nơi đô thị để tránh nỗi cô đơn, lãnh đạm giữa con người với con người. Những con chó bị tách ra khỏi môi trường vốn dành cho nó, để dần trở thành chó-đô-thị chắc sẽ quên dần các tập tính của tổ tiên. Và tiếp nối các thế hệ, có thể nào lại trở thành giống khác được chăng?