Tết cổ truyền: Thời khắc hội tụ của văn hóa dân tộc

Sông Hàn 16/02/2018 06:15

Ðối với mỗi người Việt Nam, dù đang bận rộn công việc gì, ở bất kỳ nơi đâu, thì chắc chắn rằng giờ này đây trong lòng mỗi người Việt chúng ta đều đang rạo rực một niềm hân hoan và cũng đang bừng bừng một nỗi mong chờ về một mùa Xuân nơi đất Tổ, nơi “chôn rau cắt rốn” của mình.

Ảnh: Internet.

Những tục lệ đã thành nét văn hóa

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về..v..v.

Có thể bạn quan tâm

  • Sao lại bỏ Tết cổ truyền?

    Sao lại bỏ Tết cổ truyền?

    05:35, 09/02/2018

  • Tết cổ truyền không chỉ là tết, mà còn là…

    05:34, 21/01/2018

Theo truyền thuyết, bánh dày có hình tròn, không có nhân tượng trưng cho trời, ý nghĩa là công cha; Còn bánh chưng có hình vuông, gói lá xanh, trong có nhân đậu và thịt, tượng trưng cho đất, hàm ý là nghĩa mẹ. Bởi thế nên cứ vào dịp Tết hàng năm mọi người dân Việt dù có nghèo đến thế nào đi chăng nữa thì cũng phải có hai loại bánh truyền thống này bày trên bàn thờ Gia Tiên để tưởng nhớ đến công lao sinh thành và dưỡng dục của bậc tiên tổ. (Ðồng bào Việt ở miền Trung và miền Nam còn có bánh tét hay còn gọi là bánh đòn để thay cho bánh chưng).

Ngày 23 tháng Chạp là ngày lễ đưa ông Táo về trời, làm ngày khởi đầu cho năm mới, đó chính là sự khởi đầu của ngày Tết. Theo quan niệm xưa, từ ngày này trở đi các thần đều về chầu Ngọc Hoàng, nên vào dịp này ma qủy thường hay đến quấy phá trần gian. Vì lẽ đó mà hầu hết mọi gia đình Việt đều dựng một câu nêu, trên ngọn treo cái khánh và cột chỉ ngũ sắc. Cái khánh này khi có gió thổi sẽ va vào nhau tạo thành âm thanh làm cho ma qủy sợ hãi không dám tới quấy phá gia đình nữa.

Hoặc như đêm cuối cùng của tháng Chạp, dân Việt ta gọi là đêm Giao Thừa hay còn gọi là đêm Trừ Tịch, đêm tống cựu nghinh tân, đêm tiễn năm cũ đón năm mới, là đêm giao mùa giữa Ðông và Xuân. Theo tục lệ thì đúng 12 giờ khuya, tức vào giờ Tý, mọi gia đình đều bày mâm cơm để làm lễ cúng tổ tiên và rước tổ tiên, ông bà, những người thân yêu đã quá cố về cùng ăn Tết với gia đình, đồng thời cũng để tưởng nhờ đến những người thân yêu đã ra đi.

Theo tục lệ, sáng mồng Một, mọi người trong gia tộc đều đến nhà gia trưởng để thắp hương kính lễ tổ tiên, và xum vầy vui Xuân cùng gia quyến bên nội; ngày mồng Hai những người đã lập gia đình dắt vợ con đến chúc Tết và xum vầy cùng gia quyến bên ngoại; đến ngày mồng Ba những người có học thường đến chúc Tết thầy dạy của mình để tỏ lòng tôn sư trọng đạo. Vì thế mà tục ngữ Việt mới có câu rằng: “Mồng Một thì lễ tại gia, mồng Hai nhà vợ, mồng Ba tết thầy”.

Rồi chuyện chúc tết, mừng tuổi… Đấy là chưa kể các trò chơi, lễ hội vui xuân diễn ra trong dịp tết và kéo dài hết tháng giêng âm lịch đã phần nào thể hiện Tết cổ truyền đã thành văn hóa, chứ không đơn thuần là những tục lệ bình thường ngày cuối năm.

Nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Phải nói rằng, văn hoá Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam.

54 dân tộc anh em, dù khác nhau về thành phần dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, giai tầng xã hội, song những phong tục ngày tết thì cơ bản giống nhau. Những phong tục ấy, như một bản ngã mang đậm sắc thái thuần Việt, đậm triết lý tôn giáo nhưng không nhuốm màu mê tín dị đoan.

Ðối với người Việt sống ở xứ người, tết cổ truyền có thêm một ý nghĩa nữa đó là: Tình hoài hương. Hơn bất cứ khoảng thời khắc nào trong năm, Tết là lúc mà tâm tưởng của chúng ta tự nhiên hướng về đất nước, quê hương, thành phố, làng mạc, nơi mà cha mẹ, họ hàng và bè bạn ta vẫn còn đang sống, nơi mà tiên tổ ông bà ta bao thế hệ đã an thân.

Ðối với dân tộc Việt, đón Tết là đón mừng sự trở lại của mùa Xuân, được xem như kỳ tái sinh của thiên nhiên. Ðây cũng là lúc gia đình sum họp cho những người bận công việc nơi xa xứ trong cả năm, là dịp cho mọi người trong gia đình quây quần dưới một mái nhà, không chỉ người sống mà cả người đã quá vãng.

Dù rằng, ngày nay nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên, có thể đáp ứng ngay không cần phải đợi đến ngày Tết. Chính vì vậy, ngày Tết không cần thiết phải có đủ: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”.

Tết trong thời kỳ hiện đại cũng có nhiều biến đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Đối với nhiều người hiện nay, Tết không hẳn là dịp trở về quê, hay ăn Tết tại gia mà là dịp để thực hiện những chuyến đi ngắn: đi du lịch, đi nghỉ trong nước và ngoài nước, khám phá những vùng đất mới, đi lễ cầu may, đi thăm bè bạn nơi xa..v..v.

Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này. Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai.

Việt Nam nổi tiếng với những nét văn hóa độc đáo và sâu sắc. Đặc sắc văn hóa Việt là lễ hội. Nhắc đến lễ hội là nhắc đến thế giới tâm linh của người Việt. Mà nói đến tâm linh, không thể không nhắc đến ngày Tết cổ truyền.

Và với vai trò là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, Tết cổ truyền vẫn mang trọn những nét đẹp truyền thống dù trải qua biết bao năm tháng. Đây chính là thời khắc hội tụ của tinh hoa văn hóa dân tộc, mang đậm bản sắc trong thời buổi hội nhập và phát triển.

Sông Hàn