“Vùi hoa phá chậu” và con đường hóa giải khủng hoảng thừa
Đến chiều 30 thị trường hoa tết coi như mãn cuộc, người hàng xóm nhà tôi trở về trong bộ dạng thất thểu, vốn liếng đổ vào lĩnh vực kinh doanh “sớm nở tối tàn” may lắm chỉ thu lại vẹn nguyên, hơn mười ngày đôn đáo vào nam ra bắc tuyển hoa coi như công cốc.
Năm nào cũng thế, hễ hoa thừa tràn ra lề đường nhưng anh cùng thằng con trai vung dao chém sạch, đập luôn chậu, bán rẻ hơn thậm chí cho không biếu không vẫn có người cần nhưng đó là cách trả thù khách hàng một cách sướng gan nhất! Chuyện đạo đức tạm chưa bàn đến nhưng xét ở góc độ kinh doanh đó là cách xử lý khủng hoảng thừa không tồi chút nào.
Sự việc này làm liên tưởng đến cuộc khủng hoảng thừa kinh hoàng nhất lịch sử kinh tế tế giới diễn ra trong những năm 1929 – 1933 ở Châu Âu. Thời điểm đó giới tư bản Đức, Anh, Mỹ đổ hàng triệu tấn hàng hóa xuống biển trong khi người dân nghèo rất cần chúng. Điều đó tuy không mấy nhân đạo song vừa đủ để tạo ra một cuộc khủng hoảng theo chiều hướng ngược lại: Khủng hoảng thiếu.
Chưa đầy 5 năm sau, nền kinh tế tư bản được phục hồi bất chấp sự nghèo túng của người dân, đó cũng là khoảng thời gian để nước tư bản trẻ như Đức, Nhật, Ý phát động cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II để chia lại thị trường toàn cầu.
Khủng hoảng thừa với quy mô nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam, cách tốt nhất người ta có thể làm là kêu gọi sự thương xót từ người tiêu dùng bằng các cuộc vận động của các hội, đoàn thể, tác dụng trước mắt là vớt vát lại phần nào cho người kinh doanh, nhưng điều đó có vẻ mâu thuẫn với thiết chế kinh tế thị trường.
Cách xử lý khủng hoảng thừa lâu nay ở Việt Nam chưa thật sự đánh trúng điểm nghẽn, thôi không nói về các quy luật kinh tế có vẻ hàn lâm nhưng thực ra kể cả bán một que tăm, điếu thuốc cũng dựa vào các quy luật ấy. Đơn giản vì đó là quy luật; mang tính khách quan và lặp đi lặp lại có tính chu kỳ.
Thừa heo, dưa hấu, thanh long, đường…có thể tiêu hủy, tại sao không? Nhiều người đặt câu hỏi vì sao không đem phát cho người dân. Một khi khủng hoảng thừa tức là cầu trong thị trường đã lùi về mo hoặc thậm chí âm. Giả dụ trong nhà đã có một chiếc tivi tự dưng ai đó đem cho thêm cái nữa cũng không mấy tác dụng. Tính nhân đạo trong trường hợp này phải đặt sau lợi ích của nền kinh tế.
Tại sao không dừng sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất kinh doanh mặt hàng khác? Đây cũng là một vấn đề thường xuyên của nền kinh tế thị trường. Điều này cho thấy vì sao Samsung không chỉ sản xuất điện thoại, hoặc Nokia, Yahoo lừng danh một thời phải ngậm ngùi mất thị phần.
Nói rõ hơn là sự nhanh nhạy, thức thời như là hai cá tính cần phải có của người kinh doanh. Tại sao cứ phải là heo, là đường, là thanh long, dưa hấu… mà không phải một thứ gì đó mới mẻ hơn?
Chấp nhận làm ăn trong kinh tế thị trường buộc phải chấp nhận những cuộc khủng hoảng mang tính chu kỳ. Khủng hoảng kinh tế về bản chất không thuộc về một thiết chế nhà nước nào cả mà nó khởi phát từ mất cân bằng cung cầu, giá cả, giá trị, giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa. Đương nhiên bỏ qua sự lũng đoạn của các tổ chức siêu kinh tế.
Đã đến lúc các doanh nghiệp nội phải làm quen với các cuộc khủng hoảng thừa, không nên cầu cứu vào sức mạnh mềm từ Chính phủ, vì như thế sẽ không bao giờ đủ sức bước ra sân chơi thế giới. Nhà nước không nên bao cấp theo kiểu cũ mà phải lựa chọn những hình thức tương trợ doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường đã được định hướng.
Trở lại câu chuyện của anh bán hoa, nếu người tiêu dùng có nhu cầu thật sự hoa đã không thừa đến mức đó. Anh ta tiêu hủy hoa, mặc dù là hành động phản cảm, thiếu nhân văn nhưng nhìn ở góc độ kinh tế anh ta đã trực tiếp góp phần tạo ra sự khan hiếm hoa một cách tương đối, dĩ nhiên có lợi cho cả thị trường hoa.