Chỉ đạo “tháng Giêng” kịp thời của Thủ tướng!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số Bộ, Ngành về tình hình Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu bắt tay ngay vào việc, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Có thể bạn quan tâm |
Dù đã hết những ngày nghỉ tết theo quy định, song, nhiều người dân vẫn chưa dứt cơn “ăn chơi”. Các lễ hội, chùa chiền trên tất cả các địa phương lúc nào cũng tấp nập khách thập phương. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có khoảng hơn 8.000 lễ hội, trong đó 2/3 diễn ra vào dịp đầu năm. Với những yếu tố đó, không khó để lý giải cho câu thành ngữ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Quan điểm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn án ngự trong tâm trí của nhiều người dân Việt Nam.
Với cán bộ, công chức, dây là thói quen khó bỏ. Không ít cán bộ, công chức tự cho mình được hưởng cái quyền sao nhãng công việc sau Tết. Cán bộ đến để có mặt, để đối phó, rồi hẹn nhau ra quán, rồi lấy xe công đi lễ chùa, thậm chí rượu chè, cờ bạc…
Chính thói quen kéo dài ăn chơi sau Tết đã kéo theo nhiều hệ lụy như lãng phí thời gian, không kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân… dẫn đến sa sút tinh thần lao động.
Với người nông dân, sở dĩ có quan niệm này là bởi, trong cơ cấu nghề nghiệp nước ta trước kia, hơn 90% dân số nước ta là nông dân. Đặc điểm của nghề nông là làm theo thời vụ. Theo cơ cấu mùa vụ đó, tháng Giêng là tháng tương đối nhàn rỗi, là thời điểm người dân ít việc phải làm nhất trong năm. Cái này được người dân hay gọi là “nông nhàn”.
Theo GS Trần Ngọc Thêm thì đó là tâm lý “ăn bù, chơi bù” cho những lúc đầu tắt mặt tối. “Nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc có việc thì tối tăm mặt mũi, ngay miếng ăn cũng đại khái cốt được việc thì thôi, cho nên lúc rảnh rỗi, người làm nông nghiệp có tâm lý chơi bù, ăn bù”.- ông Thêm nói.
Với công nhân, đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không còn có nông nhàn hay “công nhàn”. Bất cứ ngày nào cũng là ngày sản xuất, đơn hàng quốc tế không có chuyện chờ đợi “công nhàn”. Có thể quy ước trước trong hợp đồng, kéo dài một vài ngày vì Việt Nam có Tết cổ truyền, nhưng hội nhập quốc tế không cho phép nghỉ chơi cả tháng như ngày xưa. Đó là lạc hậu, là hủ tục không thể chấp nhận.
Còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh “Đừng để đầu năm thong thả cuối năm vất vả”. Chính trên tinh thần đó, năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành toàn diện, vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội giao. Đây không chỉ là kết quả mà còn là kinh nghiệm tốt cho 2018.
Chính vì vậy, mới đầu năm nhưng Chính phủ đã ra một loạt văn bản, chỉ thị nhằm thúc đẩy sản xuất và kinh doanh, duy trì hoạt động hành chính, đốc thúc công việc, phục vụ nhân dân. Đặc biệt, ngay sau Tết cổ truyền, Thủ tướng lại có chỉ đạo không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Chỉ đạo “tháng Giêng” này của Thủ tướng là kịp thời, là động thái cần thiết để hóa giải tình trạng “bận” du xuân, chơi tết trong đội ngũ công chức, cán bộ nói riêng và nhân dân nói chung.