Đốt vàng mã và sự méo mó của đời sống tâm linh
Bao giờ hết đốt vàng mã? Hỏi thì đơn giản thôi nhưng trả lời mới khó, đốt vàng mã chưa biết còn tồn tại đến bao giờ, nghịch lý là cuộc sống càng hiện đại, khoa học càng phát triển, ngày càng có nhiều điều bí ẩn được giải đáp nhưng mê tín dị đoan không những giảm mà còn tăng!
Thị trấn nhỏ thuộc huyện Gio Linh – Quảng Trị những năm gần đây xuất hiện nhiều gia đình làm đồ mã, không ít trong số đó trở nên khấm khá, cơ ngơi khang trang. Dạo qua một vòng những ngày giáp tết Nguyên đán không khí rộn ràng hơn hẳn vì những chuyến xe chở hàng mã xuất đi tứ phương.
Thật đúng với quan niệm truyền đời “trần sao âm vậy”, hàng mã thời nay có cả xe hơi, điện thoại thương hiệu hàng đầu thế giới; không chỉ là đôi guốc mộc, nón lá dừa, chiếc áo đơn sơ như hồi xưa mà đã “lên đời” áo vest, giày tây, nhà lầu biệt thự sân vườn y chang… Quả không thiếu một thứ gì nếu cõi trần này có tồn tại.
Giá mỗi món đồ không hề rẻ chút nào, xe hơi, nhà lầu có giá vài triệu đồng, mà đốt cũng phải combo đủ bộ kiểu mua điện thoại phải có cục sạc kẻo người “bên kia”… không sử dụng được!? Đó chỉ là lát cắt nhỏ của thế giới tâm linh thực thực ảo ảo, kẻ tin người không, nhưng đốt vàng mã ngày nay được liệt vào hủ tục mê tín di đoan.
Những làng nghề như thế có rải rác khắp cả nước, họ làm ra vàng mã nhưng không phải nhìn thấy hậu quả của việc đốt vàng mã. Giáp tết Nguyên đán ở Hà Nội có những con phố khói than mịt mùng, khét lẹt cuốn theo làn gió tung tóe khắp nơi, thành phố đất chật người đông vốn ngột ngạt nay còn khó thở hơn vì ô nhiễm môi trường từ đốt vàng mã.
Ảnh: LĐ
Hiện tượng đốt vàng mã gia tăng phản chiếu góc khuất méo mó trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, nhiều người kể cả tầng lớp thượng lưu ngày càng đặt niềm tin vào “thế giới bên kia”. Kính hiếu ông bà tổ tiên là đạo làm người nhưng điều đó nên chăng phải làm nhiều hơn khi còn sống trên đời chứ không phải cứ đốt gửi càng nhiều “của cải” là thể hiện tấm lòng thành kính.
Toan tính thực dụng với thế giới tâm linh còn được gọi với cụm từ “buôn thần bán thánh” hay “hối lộ thần linh”. Nhiều người vừa mắng con ra rả nhưng vừa chắp tay lạy lấy lạy để thần linh cầu lộc cầu tài. Sự thật không ít người dùng vàng mã để đổi lấy những lời xin xỏ chứ không phải thể hiện tấm lòng thành kính với những người đã khuất.
Ở một khía cạnh nào đó sự chân thành, lòng trung thực của con người thời nay vơi vai khá nhiều so với trước đây, điều đáng buồn này có gốc tích sâu xa từ đồng tiền và môi trường sống. Chắc chắn điều này có liên quan mật thiết đến sự nở rộ của mê tín dị đoan.
Ở đâu đó thi thoảng vẫn nghe những câu chuyện một vị doanh nhân nọ bỗng nhiên xây ngôi chùa to vật vã để tích đức, hoặc giới kinh doanh hễ trúng quả lớn là mang cả bao tiền đến bỏ vào hòm phước sương trong một ngôi chùa nào đấy. Làm từ thiện cũng muôn màu muôn vẻ song hình như người ta nghĩ rằng mang tiền cho người nghèo thần linh ít chứng giám hơn cho vào chùa vào miếu… Đằng nào cũng muốn “bề trên” phò hộ chi bằng đi thẳng đến “trụ sở” có phải nhanh hơn!?
Đốt vàng mã đã trở thành vấn nạn, thực trạng thể hiện đời sống tinh thần có quá nhiều dấu hỏi. Nó góp phần phá hoại các thiết chế văn hóa lành mạnh, khiến con người ủ dột, cạn kiệt niềm tin vào năng lực bản thân và quên mất rằng gieo gió ắt gặt bão.
Thiết nghĩ, nghành văn hóa nên cấm việc đốt vàng mã như cấm đốt pháo đêm giao thừa. Để không còn đốt vàng mã chắc còn lâu nhưng ít ra cũng gột rửa bớt sự mê muội vô ích. Biết bao giờ chuyện đốt vàng mã mới kết thúc để không còn cứ mỗi dịp lễ tết lại được lôi ra bàn tán chán chê xong rồi lại để đấy.