Đường sắt đô thị và nỗi lo đội vốn, chậm tiến độ

Quốc Anh 02/03/2018 13:05

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo chủ trương giao các nhà đầu tư lập đề xuất dự án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2025.

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND TP Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, trên cơ sở đó, lập phương án đầu tư đối với các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, Tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình và tuyến số 4 đoạn Mê Linh- Sài Đồng-Liên Hà) phù hợp với quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao đường sắt Hải Phòng vẫn “ì ạch”

    Vì sao đường sắt Hải Phòng vẫn “ì ạch”

    15:49, 28/02/2018

  • “Điểm nghẽn” của ngành đường sắt

    10:17, 04/01/2018

Như vậy, Hà Nội sẽ có thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị, cùng với những dự án mới mà Phó Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội lập dự án, hiện nay thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều tuyến đường sắt đô thị như: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi - Yên Viên. Những dự án này khi hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông đang ngày càng trở lên nghiêm trọng của thành phố gần 8 triệu dân. Nhưng điều đáng nói ở đây là tất cả các dự án đường sắt mà Hà Nội đang triển khai đều bị chậm tiến độ nghiêm trọng.

Việc Hà Nội cho xây dựng các tuyến đường sắt đô thị đã có nhiều ý kiến trái chiều bởi tính khả thi và sự tốn kém của nó. Chẳng hạn như, chi phí đầu tư vô cùng tốn kém (4-5.000 tỷ đồng/1 km) nên yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của cả chiến lược phát triển bền vững của đô thị là đường sắt đô thị phải gắn kết tốt với phát triển đô thị và ngược lại. Do thiếu gắn kết với đô thị nên một số tuyến đường sắt này đang và sắp đầu tư chưa chắc đã có hiệu quả cao, mặc dù chi phí đầu tư rất lớn.

Ngoài chậm tiến độ, các dự án này còn bị đội vốn so với dự kiến. Đơn cử như dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km. Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án phê duyệt năm 2009 là 783 triệu euro. Đến năm 2013, tổng mức đầu tư nâng lên 1.176 triệu euro (tương đương 32.919 tỉ đồng). Cho đến nay, Hà Nội cũng đã xác nhận, dự án sẽ kéo dài them 36 tháng.

Việc có thêm các dự án mới bổ sung để hoàn thiện hơn bản đồ đường sắt đô thị Hà Nội chắc chắn sẽ góp phần giải quyết câu chuyện giao thông đang ngày càng trở lên “bí bách” của Hà Nội.

Nhưng việc các dự án luôn bị chậm tiến độ và đội vốn khiến người dân lo ngại với các dự án mới thì liệu câu chuyện có bị lập lại? Chính vì vậy, việc rút kinh nghiệm cho các dự án đường sắt đô thị mới là điều dư luận kỳ vọng nhiều nhất trong câu chuyện đường sắt đô thị hiện nay.

Quốc Anh