Những " từ khóa" gây bức xúc và câu chuyện thị trường của... giáo dục
Vụ "cô giáo quỳ gối", hàng loạt giáo viên bị "chấm dứt hợp đồng" vì thiếu biên chế, nam sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo ngay trên lớp... đang là những từ khoá được dùng nhiều trên các trang mạng và công cụ tìm kiếm. Nhân đó, "lắng lòng" một chút mà lạm bàn về giáo dục.
Xã hội Việt Nam tôn vinh nghề giáo bằng những mĩ từ "nghề đưa đò" hay "nghề cao quí" hay ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng trên thực tế, những mỹ từ đó chỉ như những "liều thuốc mê" trong một cơ thể ngày càng “lờn thuốc”.
Các nhà hoạch định chính sách giáo dục ung dung trong phòng lạnh, mà không biết cảnh ngồi xếp hàng chờ kiếm suất cho con vào trường điểm, là những thế hệ học trò không tuổi thơ vì phải học thêm quá nhiều. Ở chiều ngược lại, thông tin về việc thí sinh chỉ cần trung bình khoảng 3 điểm/ môn có thể vào ngành sư phạm thật sự là một cú sốc ghê gớm. Mặc dù trong thâm tâm chúng ta bằng cách này hay cách khác, đều nhận ra giáo dục của Việt Nam đang có vấn đề. Nhưng căn nguyên vì đâu nên nỗi?
Khía cạnh kinh tế của giá trần
Tôi nhớ những ngày đầu tiên học kinh tế học. Khi cơ quan công quyền áp mức giá trần lên một thị trường cạnh tranh, nó luôn tạo nên nhiều xáo trộn. Trong bối cảnh của Việt Nam, mức giá trần thông thường là mức giá thấp hơn mức giá thị trường. Hệ quả của mức giá THẤP này chính là:
Tình trạng thiếu hụt hàng hoá sẽ xảy ra và người bán sẽ phải phân phối số hàng khan hiếm này cho một lượng lớn những người mua (nhiều hơn so với lượng cung mà người bán có và/hoặc sẵn sàng cung ứng).
Đễ làm rõ hơn, hãy xét tác động trong ngắn hạn và dài hạn:
Trong ngắn hạn: Các Thầy, Cô đã “lỡ” theo nghề giáo, việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ cơ bản là khó khăn. Các Thầy sẽ không thể bỏ nghề. Nhưng họ sẽ không đầu tư nhiều cho chất lượng bài giảng. Các trường, vì học phí được ấn định ở mức thấp dẫn đến họ cũng không muốn và/hoặc khả năng đầu tư. Cơ sở vật chất kém.
Trong dài hạn: Những người tài giỏi sẽ có khuynh hướng không theo nghề này. Nếu nhìn giáo viên ở góc độ chỉ là “người cung cấp dịch vụ”, thì với mức giá thấp, họ không có động cơ cung nhiều hơn. Kinh tế học gọi là “giá thấp thì cung giảm”. Chuyện các trường sư phạm thiếu nguồn sinh viên có chất lượng (đến mức phải nhận các sinh viên với mức 3 điểm/ môn) là chuyện mang tính sớm muộn (và sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa, nếu không có thay đổi về mặt chính sách).
Nhưng thị trường luôn vận động. Tự thân các qui luật của thị trường luôn có khuynh hướng đưa mức giá về mức giá thị trường. Ngặt nỗi, vì mức giá trần là một thứ mang tính bắt buộc. Các trường không thể tăng học phí. Giống như một cái lò xo, khi bạn nén nó thì nó luôn có khuynh hướng bật lại như cũ. Khi kháng lực quá mạnh, nó sẽ làm biến dạng lò xò.
Biến tấu trong thị trường giáo dục là:
Con cái chúng ta phải học thêm nhiều hơn.
Các phụ huynh phải bù đắp cho mức thiếu hụt giữa giá thị trường và giá trần học phí thông qua các khoản đóng góp “tự nguyện” dưới nhiều tên gọi khác nhau.
Các lớp “chất lượng cao”, với các điều kiện và giáo viên “có tâm” hơn...
Chính sách học phí thấp
Khi đưa ra mức giá sàn thấp (từ giáo dục tiểu học cho đến giáo dục đại học), mục đích của Nhà nước là khá rõ ràng: Ai cũng có cơ hội được học hành. Nhưng nhìn từ khía cạnh kinh tế của giá trần, từ chỗ giá trần được đưa ra nhằm giúp đỡ những người mua, nhưng không phải tất cả các người mua đều được hưởng lợi. Một số người được lợi vì mua được hàng với giá thấp. Một số người khác không mua được như vậy. Họ phải trả thêm để được hưởng món hàng “giáo dục có chất lượng” thông qua việc cho con đi học thêm, đóng góp phụ huynh phí. Đó là chưa kể, việc phải tiêu tốn số tiền lớn để “chạy suất” vào các “trường điểm”. Những người có khả năng, họ sẵn sàng chi trả mức giá cao để hóa giải sự thất bại của thị trường giáo dục thông qua việc cho con học ở trường quốc tế và du học nước ngoài.
So với con số khoảng hơn 3 tỷ USD mà người Việt mua nhà ở Hoa Kỳ năm 2016, tôi nghĩ mức chi tiêu dành cho du học mà họ chi tiêu còn cao hơn nhiều.
Như vậy, từ mục đích tốt đẹp là mong muốn mọi người đều có cơ hội học hành, chính sách giá trần trong giáo dục đã làm cho thị trường này bị biến dạng.
Các nhà hoạch định chính sách giáo dục ung dung trong phòng lạnh, mà không biết cảnh ngồi xếp hàng chờ kiếm suất cho con vào trường điểm, là những thế hệ học trò không tuổi thơ vì phải học thêm quá nhiều.
Có một thực tế là, nghề giáo (ở đâu trên thế giới này) không bao giờ là nghề mang lại sự giàu sang. Nhưng thu nhập của một nghề nghiệp phải nhìn nhận ở khía cạnh khác:
Thu nhập = Tiền lương + Giá trị khác
Giá trị khác được hiểu là tình yêu nghề nghiệp, Sự tôn vinh của xã hội và những giá trị khác.
Có một điều thú vị là trong Tháp nhu cầu của Maslow, thì NHU CẦU ĐƯỢC QUÍ TRỌNG được xã hội thừa nhận chỉ là nhu cầu mang xếp sau nhu cầu được tồn tại (có cơm ăn áo mặc). Nói cách khác, sự đúng đắn của chính sách giáo dục phải thể hiện ở chỗ tiền lương mà Giáo viên có được phải đủ để họ trang trải được cuộc sống với đầy đủ ý nghĩa của chữ SỐNG. Nếu như có quyền được chọn một cách lý trí, liệu bạn có muốn làm giáo viên?
Trong bối cảnh của thế kỉ 21, “có đức mà không có tài” thì không còn là “làm gì cũng khó” nữa rồi!