Những cái chết “lãng xẹt”
Hàng ngày, chúng ta vẫn thường nhìn thấy và đọc được đâu đó nhưng cái chết rất... lãng xẹt. Những cái chết chẳng ai nghĩ ra, nhưng đó là sự thật đau lòng khiến cho người thân của họ phải nuối tiếc cho một phận đời ngắn ngủi. Và chuyện một bệnh nhân đã tử vong chỉ sau vài giờ nhổ răng tại Phân viện Quân y 7 (Viện 203 cũ tại Hải Phòng) đã nói lên điều đó.
Theo như truyền thông đưa tin, khoảng 8h sáng ngày 15/3, chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1982, ở ngõ 80A, An Đà Nội, phường Đông Hải 1, quận Hải An, Hải Phòng) đến Phân viện Quân y 7 (Viện 203 cũ) để khám nhổ răng. Đến khoảng 12h20 cùng ngày, chị Trang tắt thở, bệnh viện rút toàn bộ phương tiện hỗ trợ ra khỏi bệnh nhân.
Cái chết nhanh chóng đến bất ngờ chỉ sau vài giờ tại Phân viện Quân y 7 không phải là mới. Thực tế cho thấy, chúng ta dễ dàng chứng kiến những cái chết được cho là không thể tin nổi tương tự như vậy.
Chẳng hạn: Đang ngồi trên xe máy dừng đèn đỏ thì xe tải, xe khách từ đâu lao đến cán lên. Thế là chết! Đang lưu thông trên đường thì một chiếc xe ba gác chở tôn cắt ngang bụng, thế là chết. Hay mới đây, chỉ vì mâu thuẫn chuyện con gà mà 4 người trong một gia đình ở Lâm Đồng bị kẻ xóm giềng đốt chết.
Hoặc, có những cái chết vì bia rượu mà theo ngôn ngữ của người đời thường nói là “nhanh như cái mũ”. Ví như, ngày 13/3 vừa qua, tại xã Cà Dy, huyện huyện Nam Giang (Quảng Nam) sau chầu nhậu có 3 người chết, 2 người phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Rồi, chuyện ăn nhậu xong, giành trả tiền – không trả tiền cũng bị đâm chết; Tiểu bậy trước nhà dân thì bị chủ nhà đâm chết; Vợ không dọn cơm ra ăn, bị chồng đâm chết.
Đến chuyện người phụ nữ đang mang thai 21 tuần bị chết não khi đi điều trị viêm âm đạo; Cắt amidan và phẫu thuật tuyến giáp cũng bị chết; Đi thắt búi trĩ, đến thẩm mỹ viện để hút mỡ, nâng ngực cũng bị tử vong…
Trở lại với trường hợp tại Phân viện Quân y 7, các bác sĩ cho biết là bệnh nhân bị “sốc phản vệ”. Nhưng, dư luận khó có thể tin chỉ trong vòng vài giờ, bệnh nhân ở tuổi còn trẻ lại bị “sốc phản vệ” tới mức bị chết nhanh như thế. Có lẽ, đội ngũ y – bác sĩ nơi đây cũng cảm giác khó chịu khi bị một bộ phân công chúng hoài nghi.
Có điều, cũng chẳng thể trách được sự hoài nghi đó, bởi vì thời gian qua có khá nhiều người được gọi bằng “lương y như từ mẫu”, lại tắc trách, thiếu trách nhiệm, vô cảm, xem nhẹ tính mạng người khác dẫn đến nhiều cái chết tức tưởi của bệnh nhân. Chính sự tắc trách đó góp phần tạo nên những mối lo thường trực của ngành Y. Nghiêm trọng hơn, đã có không ít sự lo ngại về hai chữ “y đức” của đội ngũ cán bộ y tế trước, trong vòng xoáy giữa thời buổi “kim tiền”.
Liên quan đến chuyện “răng khôn mọc dại” và phải nhổ. Theo ông Trịnh Đình Hải – Chủ tịch hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, nếu không điều trị dứt điểm, “răng khôn” trở thành nguy hiểm vì viêm răng khôn có thể gây tử vong do nhiễm trùng máu.
Theo đó, công bằng mà nói, mất đi một mạng người, ai mà không đau, không xót. Nhưng cá nhân người viết chỉ mong đó là tai nạn, sự cố đáng tiếc và cũng mong dư luận thấu hiểu mọi lẽ trước khi phán xét các bác sĩ và bệnh viện. Vì suy cho cùng, chẳng có vị bác sĩ nào lại muốn giết bệnh nhân của mình, cũng như việc chúng ta đi xe ngoài đường lại muốn tông người khác chết cả.
Từ những sự “ra đi” chóng vánh của một phận người đó, nếu ai đó tĩnh tâm, có thời gian đọc “Tăng nghiễm hiền văn” sẽ thấy có câu: “Lương điền vạn khoảnh, nhật thực tam xan; đại hạ thiên gian, dạ miên bát xích.”. Nghĩa là, một người giàu có tuy rằng có được ruộng tốt vạn khoảnh nhưng cũng chỉ có thể mỗi ngày ăn ba bữa, nhà mặc dù có ngàn gian nhưng buổi tối cũng chỉ ngủ trên một chiếc giường.
Chính vì vậy, cuộc đời của bất kỳ ai cũng chỉ sống có một lần và nó cũng trôi qua rất nhanh chóng kể cả người thọ nhất. Đồng thời, giá trị của đời người không phải nằm ở chỗ sinh mệnh dài hay ngắn, cũng không phải ở chỗ đạt được nhiều hay ít. Do đó phải sống như thế nào để thực sự có ích cho đời, cho xã hội.
Chỉ tiếc rằng, cuộc sống này vẫn còn những cái chết tức tưởi, lãng xẹt quá!