Sabeco: Tồn tại quá khứ và hy vọng cho tương lai?
Ngày 28/12/2017, thương vụ Vietnam Beverage mua 53,59% cổ phần của Sabeco được dư luận đặc biệt quan tâm và các cơ quan quản lý nhà nước coi như một điển hình “thoái vốn”, cổ phần hóa.
Mặt khác, đây cũng chính là một trong những biểu hiện rõ nhất cho tinh thần mà Thủ tướng và Chính phủ từng khẳng định trước đó rằng: “Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”.
Với Sabeco, dù sao đi nữa thì việc Tổng công ty này “về tay” người Thái, theo cách nói ví von của báo chí, cũng mang đến những niềm hy vọng, dĩ nhiên xen lẫn cả lo lắng.
Bởi mấy ngày vừa qua, thông tin về việc Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính truy nộp ngân sách gần 2.500 tỷ, xử lý hơn 1.000 tỷ của quỹ đầu tư xây dựng, xem xét lại giá trị của Sabeco Pearl trước khi thoái vốn… đã làm công luận băn khoăn. Những vấn đề đó đều xuất hiện trước khi Vietnam Beverage mua thành công 53,59% cổ phần Sabeco và trở thành cổ đông lớn nhất.
Với khả năng quản trị hiện đại, cổ đông Bevergage có thể sẽ trở thành nhân tố tích cực cho sự phát triển của Sabeco là một hy vọng có thật. Có thể trong tương lai, những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về lợi nhuận chưa chia, hàng nghìn tỷ bị “xếp xó”, hay giá trị tài sản doanh nghiệp bị thất thoát… sẽ không còn phải là nỗi lo thường trực.
Dĩ nhiên, việc xử lý những tồn tại, hạn chế mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra là một yêu cầu bắt buộc để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh, ngân sách nhà nước không bị thất thu, cũng như lợi tức của các cổ đông khác không bị xâm hại. Mấy ngày nay, Sabeco chưa lên tiếng về những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công Thương chủ quản cũng chưa lên tiếng vì Bộ trưởng đi công tác nước ngoài… Điều đó cũng có vẻ hợp lý nhưng lẽ ra Sabeco và Bộ Công Thương có thể phản ứng sớm hơn với tình hình vì thực tế Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu hai bộ Tài chính và Công Thương thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/3.
Nếu những tồn tại, hạn chế này được xử lý thích đáng, phù hợp pháp luật, thì hy vọng về một triển vọng tốt hơn cho Sabeco nói riêng và cho sự phát triển kinh tế là có cơ sở. Bởi lẽ, khi Nhà nước bán thành công 53,59% cổ phần tại Sabeco thì cũng chính là lúc bắt đầu cho một quá trình thay đổi tư duy về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước.
Khi tư duy về nhà nước và vai trò của nhà nước được thay đổi, tiệm cận với nguyên tắc thị trường thì cũng chính là thời điểm mà thịnh vượng có thể nảy mầm.