GDP quý I: Khả quan, nhưng không chủ quan
Tổng cục Thống kê vừa tổ chức họp báo công bố số liệu về nền kinh tế trong quý I/2018. Theo đó, tăng trưởng quý I/2018 đạt mức 7,38% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là một trong những cơ sở để GDP năm nay đạt khoảng 6,7 – 6,8%.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, công nghiệp - xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%, mà đóng góp mạnh mẽ là công nghiệp chế biến chế tạo. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tận dụng được những thuận lợi từ thời tiết và quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản có nhiều khởi sắc cả về khai thác và môi trường.
Ở góc độ xuất khẩu, quý I năm nay cũng cho thấy sự khởi sắc ở nhiều lĩnh vực, nhiều đơn hàng lớn về xuất khẩu hàng hóa được ký trong đầu năm 2018 giúp kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,62 tỷ USD tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó đã có 8 loại mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong quý I, vốn FDI tăng thêm, góp mới, đăng ký cấp mới là 5,8 tỷ USD (bằng 75,2% cùng kỳ). Vốn thực hiện đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm
GDP quý I bứt phá mạnh mẽ
10:12, 29/03/2018
NCIF nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 lên mức 6,83%
06:10, 21/03/2018
Tăng trưởng GDP quý 1/2018 sẽ tương đương nửa cuối năm 2017
05:42, 02/03/2018
GDP năm 2018: Có thể sẽ vượt mức 6,7%?
21:41, 02/02/2018
Tăng trưởng GDP 2018: Ngành nào sẽ bứt phá?
09:44, 22/01/2018
Đặc biệt, năm nay chứng kiến vốn của khối tư nhân đổ vào nền kinh tế tiếp tục tăng, thậm chí dư địa tăng thêm vẫn còn. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 26.800 doanh nghiệp thành lập mới - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường với tốc độ cao đã đóng góp tích cực tăng trưởng chung của cả nước.
Cho dù bức tranh kinh tế quý I khá sáng sủa, nhưng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kinh tế vĩ mô trong nước đầu năm có nhiều khả quan, nhưng không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Ý kiến của Phó Thủ tướng không phải không có cơ sở, bởi dù kinh tế có những khả quan song vẫn tiềm ẩn những mối lo. Đơn cử như khu vực kinh tế tư nhân, dù dòng tiền của khối này vào nền kinh tế đã tăng hơn trước nhưng khảo sát của VCCI thông qua dự án PCI vừa công bố cho thấy, mức gia tăng đầu tư của các DN đang hoạt động là không đáng kể. Thậm chí quy mô đầu tư của các DN tư nhân đã giảm theo thời gian. Đặc biệt xu hướng nhỏ đi về quy mô lao động cũng đã xuất hiện, số việc làm do khu vực tư nhân tạo ra chủ yếu thông qua các doanh nghiệp thành lập mới…
Trong khi đó, ở mảng xuất khẩu, đường xuất khẩu của con cá tra – ba sa của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục gặp khó khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13...
Chưa hết, ở lĩnh vực xuất khẩu chè, Pakistan vốn là thị trường xuất khẩu chè hàng đầu của Việt Nam nhưng đầu năm nay, xuất khẩu chè sang Pakistan ghi nhận sự sụt giảm 32% về trị giá và giảm 40,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2017 bởi các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt của thị trường này.
“Khi kinh tế tốt hơn thì phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn thì có dư địa để điều chỉnh”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.