Khôi hài chuyện ngực lép, răng vẩu... không được lái tàu
Dự thảo lấy ý kiến lần một của Bộ Y tế về thông tư quy định răng vẩu, răng sâu, ngực lép, viêm phụ khoa… đều bị loại, không được lái tàu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
“Phía ngành đường sắt cho rằng do đặc thù nghề nghiệp, không phải muốn là dừng để chữa bệnh nên sức khoẻ lái tàu đòi hỏi chặt chẽ hơn để tránh tai nạn. Lái xe đường bộ có thể tuyển người sức khoẻ loại A, B, C nhưng đường sắt chỉ được tuyển loại A, 1 tiêu chí loại B cũng không đủ yêu cầu” - ông Lê Lương Đống - Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo cho biết.
PGS.TS Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật - tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho rằng: “Răng hô chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ hay sức nhai, nhưng nếu vẫn phát âm nghe rõ bình thường thì không hà cớ gì cấm làm nghề lái tàu”.
Có thể nói, trong “rừng luật” hiện nay, quy định “ngực lép, răng vẩu không được lái tàu/xe” không phải là hiếm. Trước đây không thiếu những văn bản “trên trời” khiến dư luận “nổi sóng” như: Cấp phép cho Quốc ca; Quy định “bán thịt trong vòng 8 tiếng”; Phạt 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại ở cây xăng… Viếng đám ma không quá 7 vòng hoa; Cấm bán bia vỉa hè, kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 30°C; UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông..v..v.
Thẳng thắn mà nói, những văn bản, thông tư đó là “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”. Nó là sản phẩm của những người làm luật ngồi “trên trời”, ngồi trong phòng lạnh. Mà ngồi phòng lạnh thì làm sao gần dân, sát dân. Làm chính sách như thế này, không cẩn thận dẫn đến mâu thuẫn, kìm hãm sự phát triển.
Tất nhiên, nó sẽ bị dư luận “ném đá”, cũng như bị các chuyên gia, nhà khoa học phản đối và nó sẽ hết “đất sống”. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao mật độ của các văn bản, quy định “trên trời” đó vẫn cứ tồn tại dày, mà không có dấu hiệu giảm/thưa dần? Phải chăng, năng lực, trình độ của không ít cán bộ, người làm luật rất yếu kém? Còn trách nhiệm của người phụ trách ban hành dường như bằng không?
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân từng đề cập nói rất có lý rằng: “Có một bộ phận không nhỏ các cán bộ quan liêu, ngồi trong phòng lạnh để ban hành những quy định trên trời. Họ không nhìn thấy cuộc sống của người dân đang biến động ra sao để tác động đúng chiều…”
Thừa nhận, xã hội hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc và không phải chính sách nào cũng được người dân ủng hộ. Nhưng dứt khoát một chính sách tốt thì phải thể hiện được nguyên tắc công bằng, dân chủ và nhân đạo, phải được đa số người dân ủng hộ và trở thành động lực của sự phát triển xã hội.
Tiếc rằng, hết chuyện “cấp phép cho Quốc ca”, giờ lại đến “ngực lép, răng vẩu không được lái tàu/xe”. Làm luật, làm chính sách mà hời hợt, thích là đưa ra không thích thì thu hồi. Chẳng lẽ, mấy vị thích làm trò cười cho thiên hạ?!