Phố Tàu và cửa hàng “cách ly”
Tiếng Trung nhan nhản phố Tàu, lợi lộc kinh tế du lịch bị mất ngay trước của nhà, còn gì đáng lo lắng hơn?
Dọc Quốc lộ 56 nối liền Thị xã Long Khánh với Thành phố Vũng Tàu, đoạn qua xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ - Đồng Nai) có một cộng đồng người Hoa sinh sống từ rất lâu. Hai dân tộc Hoa - Kinh bang giao hòa thuận bao đời nay giữa ranh giới là con đường rải nhựa bé xíu.
Ảnh minh họa.
Có thể bạn quan tâm |
Người Hoa vốn đoàn kết, đa trí trong giao tiếp, kinh doanh, ở đó không ít vị cao niên tham gia vào hệ thống chính trị tại địa phương, tuy chức vụ không lớn nhưng họ làm việc nghiêm túc, bài bản, có trách nhiệm.
Nhiều lớp con cháu người Hoa giờ không còn nhớ nhiều về gốc tích của mình, dù vậy tiếng Quảng Đông vẫn được sử dụng, những bài hát Hoa ngữ luôn chủ đạo trong mỗi dịp tiệc tùng cưới hỏi đậm đà bản sắc. Người Hoa giỏi kinh doanh, buôn bán, họ có phong cách thản nhiên, tự tại giữa “đất khách quê người”.
Đó chỉ là câu chuyện không lớn về một cộng đồng nhỏ người Hoa trên đất nước này, chẳng biết trong tâm thức những con người ấy có tồn tại một dòng chảy tư tưởng xuyên suốt nào không. Nhưng với những người Hoa đương đại, hiện có mặt trên khắp lãnh thổ Việt Nam, điều đó có thể nói không?
Chuyện những con phố Tàu ở Việt Nam vốn không mới, nhưng cửa hàng cấm cửa người Việt ngay trên đất nước của mình quả là chuyện mới. Hết Quảng Ninh, Đà Nẵng, giờ đến lượt Nha Trang (Khánh Hòa) kêu cứu: “Cứ kiểm tra là có vi phạm, quá nhiều, chúng tôi làm không xuể. Dự kiến mất nửa tháng mới kiểm tra hết được”, ông Phạm Đức Hùng - Phó chánh thanh tra Sở VHTT Khánh Hòa, thốt lên!
Những khu phố Tàu ở Nha Trang, hình như tiếng Trung đang lấn át chữ Việt, cả khu phố Tàu chi chít những bảng quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc, họ in chữ Hán to hơn chữ Việt, thậm chí có bảng vắng bóng tiếng Việt.
Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo thì trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Chiểu theo điều luật thì những cửa hàng này đã vi phạm luật pháp Việt Nam.
Tiếng nói và chữ viết có tầm quan trọng đặc biệt với sự tồn tại của một cộng đồng. Nhiều người la ó ông Bùi Hiền vì công trình cải cách chữ viết, rằng là đánh mất bản sắc dân tộc, đảo lộn văn hóa…nhưng điều đó vẫn không nguy hiểm bằng tiếng Việt bỗng dưng mất hút ngay trên mảnh đất nó sinh ra, mà nào đâu thấy làn sóng phản ứng?
Có nhiều người Hoa rồi sẽ có một khu phố Tàu, có nhiều khu phố Tàu sẽ có một quần thể người Hoa. Họ buôn bán kinh doanh, dùng người Việt đứng tên để mua đất rồi dần dà chẳng còn người Việt nào sinh sống ở đó, tiếng Việt cũng vắng bóng!
Quan ngại hơn, tour du lịch 0 đồng xuất phát từ biên giới phía Bắc đang lan nhanh như bệnh dịch, điểm đến là những cửa hàng “miễn nhiễm” với người Việt. Chủ của hàng dĩ nhiên là người Hoa, họ bán giá cao ngất ngưởng. Khó có thể tin là “một vài” người ngoại quốc có thể dựng lên kios rồi chiếm khách du lịch của người Việt ngay tại Việt Nam!
Là biểu tượng của đất nước, ngôn ngữ, chữ viết của Việt Nam phải được bảo vệ và phát huy. Hàng ngày, trên báo chí và các phương tiện truyền thông chúng khác chúng ta đều không ngớt nói về sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt và nhấn mạnh phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy mà trên các biển hiệu quảng cáo ở các tuyến phố đông đúc, nhộn nhịp chúng ta lại lãng quên ngôn ngữ của đất nước mình.
Tiếng Trung nhan nhản phố Tàu, lợi lộc kinh tế du lịch bị mất ngay trước của nhà, còn gì đáng lo lắng hơn? Chỉ mới một khu phố Tàu mà ngành văn hóa tỉnh Khánh Hòa than kêu không thể nào kiểm tra xuể, còn hàng trăm hàng nghìn khu phố Tàu khắp cả nước thì sao?