Giáo dục: Quan trọng là thành tích hay thái độ?

Minh Vương 16/04/2018 10:21

Trong tâm thức của nhiều học sinh đậu trường chuyên lớp chọn, duy trì thành tích cao để hài lòng thầy cô và cha mẹ là nhiệm vụ họ phải đảm bảo thường xuyên...

Việc phải thi đậu vào trường chuyên lớp chọn, phải đạt danh hiệu học sinh giỏi là trách nhiệm trong mỗi năm học chứ không phải là điều đáng khích lệ và mỗi học sinh phải hoàn thành nó từ tiểu học cho đến khi thi đậu đại học.

Đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra

Mới nhất là vụ việc một nam sinh viết lại tâm thư rồi nhảy lầu tự tử, trong thư nam sinh này nói rõ áp lực về điểm số, thành tích học tập đã không đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ nên đã chọn cách tự tử để “giải thoát”.

Theo tìm hiểu, nam sinh tên là H.T.C là học sinh lớp 10E, trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM ông Lê Trọng Tín – Hiệu trưởng nhà trường cho biết C là một học sinh ngoan và giỏi của trường, học kỳ I vừa qua điểm tổng kết của C là 8,9. Không khác nhiều, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010, T.C.S vốn là một học sinh giỏi của trường chuyên vì cho rằng mình làm bài không tốt phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô nên S. đã uống thuốc rầy tự tử để lại nỗi đau cho người thân, và gia đình.

Bức thư tuyệt mệnh rất đau lòng của học sinh nữ ở Bình Dương

Bức thư tuyệt mệnh rất đau lòng của học sinh nữ ở Bình Dương

Nhắc lại vào năm 2015, ở Bình Dương một nữ sinh đã viết tới 5 lá thư tuyệt mệnh trước khi nhảy xuống đập nước ở huyện Phú Giáo, Bình Dương vì cho rằng kết quả thi không tốt chỉ xếp loại trung bình phụ lòng bố mẹ và nữ sinh này chọn cách tự tử để giải quyết tất cả.

Thực tế không hiếm những trường hợp học sinh cảm thấy mệt mỏi, quá áp lực từ phía phụ huynh và nhà trường đã đặt quá nặng vấn đề điểm số, thành tích, khiến các em cảm thấy bất lực không còn lối thoát...

Có thể bạn quan tâm

  • Khi giáo dục trở thành "mặt hàng"...

    11:07, 06/04/2018

  • Ai "rải đinh" trên con đường giáo dục?

    08:54, 20/03/2018

  • Những " từ khóa" gây bức xúc và câu chuyện thị trường của... giáo dục

    10:36, 11/03/2018

  • “Xóa sổ” Phòng Giáo dục: Có nên thí điểm?

    05:16, 18/12/2017

  • Cuối năm và câu chuyện buồn ngành giáo dục

    05:32, 17/12/2017

Áp lực thành tích nặng nề, học sinh chỉ biết học và học

Ngoài việc học chính khoá  2 buổi ở trường, để có thể thi đậu vào một trường đại học “có tiếng” trong thành phố, chị Diễm (ngụ quận 3, TP.HCM) phải đưa đón con gái đang học lớp 12 đi học thêm từ 17h45 đến 20h15 liên tục các ngày trong tuần. “Vì là năm cuối cấp nên việc học của cháu rất quan trọng tôi phải mang theo đồ ăn cho cháu, bây giờ tôi phải đón cháu tới chỗ học thêm để lỡ kẹt xe”, chị Diễm nói. Con chị đã 12 năm là học sinh giỏi toàn diện nay chỉ còn mấy tháng nữa là thi đại học nên phải hết sức “đưa đón” chăm sóc để cháu có thể đậu đại học trong kỳ thi sắp tới.

Tìm hiểu thêm, phụ huynh có xu hướng muốn cho con đi học thêm để “bằng bạn bằng bè” và đạt kết quả tốt, phải là học sinh khá, giỏi khá phổ biến. Thậm chí ngay như những lớp ở cấp tiểu học, phu huynh đã cho con đi học thêm những môn năng khiếu, tiếng Anh ở các trung tâm mặc dù lịch học đã dày đặc, nhìn vào lịch học không thấy các em có thể vui chơi vào thời gian nào.

Việc đánh giá chất lượng học sinh cũng chưa chính xác mà chỉ căn cứ vào việc học trường nào, thi được bao nhiêu điểm, có phải là học sinh giỏi hay không việc này vô tình đã tạo áp lực lớn cho các em. Tình trạng phụ huynh đưa đón, mang theo cơm cho các con ăn sau giờ học chính để kịp vào các buổi học phụ đạo chiều, tối... thực tế vô cùng phổ biến ở các trường, các cấp tại TP HCM, mặc dù, trước đó đã có quy định cấm dạy học thêm.

Nhiều học sinh không dám nêu tên chia sẻ khi đến trường và về nhà các em chỉ biết học xong rồi học. Học để thi đạt điểm cao và không phụ lòng cha mẹ thầy cô. Các em đôi khi thấy mình như "gà công nghiệp".

Các chuyên gia cho rằng, việc cha mẹ định hướng cho học sinh vào nên dựa trên khả năng thực sự của các em; còn đề ra các thành tích quá cao vượt quá sức của các em, vô hình khiến cho học sinh chịu áp lực tâm lý nặng nề, có thể dẫn đến rối loạn tâm thần vì học.

Nhà trường cũng cần làm tốt những công tác phân loai học sinh theo học lực, khả năng tiếp thu không nên vì chạy theo thành tích mà bỏ qua trách nhiệm chính là hướng dẫn các em tiếp cận tri thức.

Hiện đang là tháng 4 và các cấp học đều đang bước vào kỳ thi cuối khóa. Đây chính là thời điểm "nóng" mà thông thường nhà trường lẫn phụ huynh đều bắt buộc, yêu cầu các em "gạo" bài, tập trung toàn tâm ý cho bài thi. Một chuyên gia cho biết, phụ huynh nên tham khảo tâm thư của một thầy hiệu trưởng tại Singapore, đã được nhiều bậc cha mẹ truyền tay nhau trên mạng xã hội từ 2 năm trước, và tiếp tục được lục ra, xem lại, nhân vụ việc đau lòng ở trường Nguyễn Khuyên mới đây.

"Các bậc phụ huynh kính mến,

Kỳ thi của các em học sinh đang tới gần. Chúng tôi biết rằng các vị đều đang mong cho con mình sẽ giành được kết quả cao trong kỳ thi này. 

Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng, trong số các em, những người có mặt tại kỳ thi, có người sẽ là một nghệ sĩ, người không cần hiểu sâu về Toán.

Có người sẽ là một doanh nhân, người không cần phải quá quan tâm đến lịch sử hay văn học Anh.

Có người sẽ là một nhạc sĩ, người mà với họ, môn Hoá học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

Có người sẽ là một vận động viên, người mà việc rèn luyện thể chất sẽ quan trọng hơn là môn Vật lý, giống như vận động viên Schooling của chúng ta.

Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con.

Hãy nói với con rằng: ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Con được sinh ra trên đời cho những điều lớn lao nhiều hơn thế.

Hãy nói với con rằng, dù điểm số của con là bao nhiêu, cha mẹ vẫn yêu con và không hề phán xét.

Xin hãy làm như vậy, và nếu các vị thực hiện điều đó, hãy chờ xem con mình chinh phục thế giới. Một kỳ thi hay một điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ đi những ước mơ và tài năng bên trong của các con.

Và cuối cùng, xin đừng nghĩ rằng chỉ có kỹ sư hay bác sĩ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này.

Trân trọng,

Hiệu trưởng".

Trong những kỳ thi, phụ huynh cần phải hiểu rằng sự cố gắng của học sinh, thái độ học tập của các như thế nào mới là quan trọng, không nên chỉ dựa vào điểm số để đánh giá quá trình học tập của các em. Bên cạnh đó nhà trường nên kết hợp việc học tập với các hoạt động sinh hoạt khác, những hoạt động mang tính giáo dục thực tiễn khuyến khích các em có sự thích thú đam mê tìm hiểu hơn là đặt nặng vấn đề về thành tích, điểm số và tác động tạo nên một suy nghĩ “chỉ thi điểm cao mới là học giỏi”.

Minh Vương