Không trả tiền phải trả giá

Nguyễn Việt 22/04/2018 05:30

Chúng ta đứng thứ 2 trong số những nước có mức độ lây nhiễm mã độc lớn nhất toàn cầu, đứng thứ 17 thế giới về độ nguy hiểm khi online trực tuyến.

Trong năm 2017, chỉ tính riêng các website ở Việt Nam bị tấn công thì đã có 13.382 sự cố, trong đó tấn công mã độc có 5.000, thay đổi giao diện hơn 4.000, lừa đảo hơn 2.000. Trong 2 tháng đầu 2018 có 1.500 cuộc tấn công vào các website của Việt Nam.

Đánh giá việc sử dụng phần mềm và mất an toàn thông tin hiện nay, ông Nguyễn Trọng Đường - Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho rằng, thói quen sử dụng phần mềm lậu ở Việt Nam đang rất phổ biến. Từ đây có thể lý giải tại sao phần mềm “bẻ khóa” lại phổ biến tại Việt Nam, vì chúng ta được tự do sử dụng ngay công nghệ mới trong bối cảnh thu nhập còn hạn chế, không phải ai cũng có điều kiện để mua bản quyền.

Cũng theo số liệu VNCERT khảo sát được, mức độ an toàn thông tin trong các doanh nghiệp rất thấp, kể cả khối ngân hàng tài chính có đến 60% không đảm bảo an toàn. Các DNNVV thì chỉ đạt khoảng 30%.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có ý thức và dành nhiều quan tâm trong việc bảo vệ quyền Sở hữu tuệ của mình thông qua việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Theo Báo cáo thường niên Hoạt động sở hữu trí tuệ 2016 của Cục sở hữu trí tuệ, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào Cục tăng cao (14,2%), kết quả xử lý đơn sáng chế tăng cao so với năm 2015 (tăng 23%), đặc biệt là việc xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy.

“Tuy nhiên, nhận thức về những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả trong đó có bản quyền phần mềm vẫn chưa được các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ”, ông Phòng nói.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết, hiện nay các nước phát triển đang có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh… Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự cũng có xu hướng được mở rộng, như hành vi xuất nhập khẩu, hành vi xâm phạm bí mật thương mại, hay thậm chí quay phim trong rạp.

“Các quy định này hình sự hóa quan hệ dân sự và có thể xâm phạm cả quyền cá nhân. Sự thay đổi này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng”, ông Lâm nói. 

Nguyễn Việt