Du lịch nội địa đang hết thời?
Tại sao ngành du lịch không học hỏi “xứ người” nhằm giữ bớt một phần của 8 tỷ USD lại cho nền kinh tế?
Mới đây, 2 công ty dịch vụ du lịch lớn tại Việt Nam đã chia sẻ về một số dữ liệu tour du lịch được đặt trong dịp nghỉ lễ 30/04 – 01/05 sắp tới.
Theo đó, Công ty Vietravel, cho biết khách đăng ký tour dịp lễ 30/04 khá sôi động, phục vụ khoảng 25.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng du lịch nước ngoài với các tour đi Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang có ưu thế hơn hẳn. Cùng đó, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng đưa ra số liệu tương tự, với ưu thế thuộc về các tour ngắn ngày (3-4 ngày) đi Thái Lan, Đài Loan, liên tuyến Singapore – Malaysia.
Số liệu được đưa ra ở đây không tính về số lượng lượt khách, mà tính về tỷ lệ tăng trưởng của các tour du lịch. Từ đó, các phân tích đang cho thấy, xu hướng chuyển du lịch sang các quốc gia nước ngoài đang được chuộng hơn rất nhiều so với du lịch trong nước.
Có thể bạn quan tâm
|
Đúng là, năm 2017, ngành “công nghiệp không khói” đạt kỳ tích 13 triệu lượt khách quốc tế và đang mang về một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của ngành du lịch vẫn còn đối diện nhiều thách thức cần phải vượt qua, trong đó có việc “chảy máu” ngoại tệ qua con đường du lịch trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Mặc cho, du lịch nội địa đang có nhiều cái đáng để chúng ta tự hào như: Ngoài những danh thắng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, Việt Nam còn thu hút khách du lịch với hàng loạt địa điểm du lịch sinh thái kéo dài khắp ba miền Tổ quốc.
Trong số khoảng 40.000 di tích lịch sử trên khắp miền đất nước, có hơn 2.500 di tích đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng. Rồi, Việt Nam còn là nước có chế độ chính trị ổn định, có nguồn nhân lực dồi dào..v..v.
Tiếc rằng, du lịch tại Việt Nam đang chứng kiến những sự “mất thu hút” nặng nề, nhất là việc “mất điểm” ngay trong mắt du khách nội. Chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng chỉ ra 6 “nỗi sợ” của du khách khi đến Việt Nam. Thực tế, đó không chỉ là “nỗi sợ” riêng của khách nước ngoài, mà du khách trong nước cũng bị ám ảnh.
6 “nỗi sợ” đó là: Nạn chặt chém, làm giá; Giao thông không an toàn; Ăn xin và ăn cắp vặt nhiều; Mất an toàn thực phẩm; Vệ sinh môi trường, từ vấn đề rác thải đến nhà vệ sinh không đảm bảo và cuối cùng là có những nơi, có người không thể hiện sự tôn trọng khách.
Ngẫm cho kỹ ta thấy, 6 “nỗi sợ” này không phải mới mà đã tồn tại trong mấy chục năm hình thành và phát triển của ngành du lịch Việt. Toàn những lý do “muôn năm cũ”, nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn chẳng thể thay đổi được bao nhiêu. Trong khi đó, giá vé máy bay nội địa quá cao, phí tham quan liên tục tăng cũng khiến giá tour bị kéo lên theo.
Dẫn chứng mới nhất về giá các tour dịp 30/04 tới đây sẽ ảnh hưởng đến tâm lý “hướng ngoại” của khách nội, đó là: Tour đi Huế – Quảng Bình – Quảng Nam – Đà Nẵng 5 ngày, ở khách sạn 4 sao có mức 8 triệu đồng/khách. Trong khi đó, cũng thời gian này, tour đi Thái Lan lịch trình Bangkok – Pattaya, ở khách sạn 3 sao, tặng vé xem Nanta Show giá cũng khoảng 8 triệu đồng/khách; Tour Siem Reap – Phnom Penh 4 ngày, ở khách sạn 4 sao giá chỉ 4,99 triệu đồng/khách..v..v.
Chính điều này đã khiến nhiều khách Việt không còn mặn mà với các tour trong nước. Lý giải vì sao du lịch trong nước thất thế với chính người trong nhà, chuyên gia du lịch Phan Đình Huê cho biết: “Nếu như khách nước ngoài rất thích đến Hạ Long thì rất nhiều khách Việt rất e ngại, nhất là người miền Nam. Bởi chỉ cần nói giọng khác vùng miền là họ sẽ bị “chặt chém” giá dịch vụ. Trong khi đó khi ra nước ngoài thì khách Việt cảm thấy được tôn trọng và đối xử bình đẳng.”
Dự báo của Mastercard, đến năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 7,5 triệu khách đi du lịch nước ngoài với tốc độ tăng nhanh thứ 2 ở khu vực châu Á, sau Myanmar. Tuy nhiên, thời hạn của dự báo này sẽ không còn xa khi mà nước ta đã có 6,5 triệu khách đi du lịch trong năm 2016…
Song song với việc, người Việt sẵn sàng chi 8 tỷ USD đi du lịch nước ngoài mỗi năm nhất là trong những ngày nghỉ lễ, tết chỉ vì sự chuyên nghiệp, chất lượng, giá rẻ tại nhiều điểm đến thú vị trên thế giới.
Vậy, tại sao ngành du lịch không học hỏi “xứ người” nhằm giữ bớt một phần của 8 tỷ USD lại cho nền kinh tế? Phải chăng, du lịch trong nước đang hết thời và thất thế trên sân nhà ngay với chính “người trong nhà”?