Từ sự kiện 30/4 nghĩ về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Nếu không có mối dây đoàn kết tất cả quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh thì không thể có những thắng lợi khiến thế giới ngã mũ.
Ngày 17.7.1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi, do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác ghi lại, trong đó có đoạn: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”
Mười năm sau, 11h ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 húc vào cổng phụ dinh Độc lập. Đại đội trưởng, chỉ huy xe tăng Bùi Quang Thận nhảy khỏi xe cắm lá cờ lên nóc dinh. Đây là giờ phút thiêng thiêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
30/4, một khoảnh khắc nhưng cả chặng đường
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái móc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa Xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách”.
Lịch sử 4.000 năm dựng nước và lịch sử hơn 80 năm ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam tuy không giống nhau về thời gian. Song, những chiến công để lại luôn sánh ngang tầm.
Mùa thu năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, cho một nhà nước công – nông đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng cũng từ đây, nhiều khó khăn gian khổ, thách thức sự tồn tại của nhà nước cách mạng non trẻ.
Thù trong, giặc ngoài bao vây tứ phía, “nội xâm” là nạn giặc đói, giặc dốt, ngân khố cạn kiệt, bất ổn xã hội còn lại từ thời phong kiến nửa thuộc địa; ngoại xâm là sáu mươi vạn quan Tưởng nhăm nhe, thực dân Pháp âm mưu quay lại nước ta.
Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lơi kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19.12.1946: “…Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, để diệt giặc dốt, toàn Miền Bắc đồng lòng thực hiện “hũ gạo cứu đói”, “mỗi tuần nhịn ăn một bữa”, tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”. Sau này là những phong trào lớn như “Sóng duyên hải” “Gió đại phong”…nơi quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Ngày 8.9.1945 Bác ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để diệt trừ “giặc “dốt.
Lời kêu gọi của Bác về nhiệm vụ chống giặc dốt đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, làm sống dậy lòng tự tôn dân tộc. Nhà cửa, chùa chiền, tu viện đều có thể làm lớp học, những ai biết chữ đều là thầy.
Lớp học khắp nơi, học trưa, học chiều, học tối, chữ viết sẵn trên bảng, treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để bà con học tập. Những ai đọc được chữ viết trên các bảng đen dựng bên các bến đò, cổng làng, cổng chợ... thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là “Cổng vinh quang” để đi vào chợ, sang sông, về làng...
Chỉ vài năm, giặc “nội xâm” bị đẩy lùi, đó là điều kiện đủ để Chính phủ lâm thời đưa ra những quyết sách đúng đắn trên mặt trận ngoại giao, kìm chân giặc ngoại xâm bằng Hiệp định sơ bộ đình chiến với thực dân Pháp, tạm thời nhượng bộ Tưởng Giới Thạch để kéo dài thời gian củng cố lực lượng.
Đó là tiền đề để chính quyền non trẻ vượt qua thử thách cam go và làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, giải phóng Miền Bắc, tiến vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, ra sức chi viện cho Miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Hàng triệu thanh niên, cán bộ, chuyên gia, hàng triệu tấn lương thực, súng đạn, hàng vạn chuyến “tàu không số” bạt núi rừng, vượt biển vào Miền Nam.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.
Nơi nào có đoàn kết nơi đó có chiến thắng
Điều gì khiến một dân tộc nhỏ bé quật ngã những cường quốc sừng sỏ? Đó chưa hẳn là sức mạnh quân sự, xưa nay nước Việt trường tồn không dựa vào sức mạnh cường quyền mà như Nguyễn Trãi đúc kết, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”.
Nghệ thuật chiến tranh du kích mang đến nỗi kinh hoàng cho lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến của quân đội thực dân, đế quốc. Đó là chiến tranh nhân dân, mỗi người dân là một người lính, mỗi ngôi nhà đều là căn cứ. Nếu không có mối dây đoàn kết tất cả quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh thì không thể có những thắng lợi khiến thế giới ngã mũ.
Điều gì khiến nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Ngô Thị Tuyển (Thanh Hóa) vác hai thùng đạn có trọng lượng gấp đôi thân thể mình để tiếp tế cho bộ đội ta chiến đấu? Đó chắc hẳn không phải sức mạnh thể chất, đó chính là sức mạnh tinh thần.
Điều gì khiến những anh hùng lấy thân mình chèn pháo, lấy vai mình làm giá súng, lấy thân mình lấp lỗ châu mai? Động lực nào để hàng triệu người dân thấm đẫm câu nói “xe chưa qua nhà không tiếc”?. Đó là hiện thân rõ ràng nhất của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Tiếng súng đã tắt trên quê hương nhưng thay vào đó là “chiến tranh kinh tế, ngọai giao, tri thức…”, non sông thống nhất một mối nhưng không có nghĩa là lãng quên xây dựng bồi đắp khối đại đoàn kết dân tộc, nước luôn luôn phải giữ, suối nguồn đoàn kết phải luôn khơi dòng.
Chiến tranh không tiếng súng vẫn phải cần cái nắm tay của cả dân tộc . Người người đoàn kết, nhà nhà đoàn kết, Chính phủ đoàn kết, doanh nghiệp đoàn kết, xã hội đoàn kết mới mong đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, dựng dây non sông gấm vóc đẹp tươi để không hổ thẹn với anh linh triệu triệu người đã ngã xuống.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trọng nhân nghĩa, khoan dung, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người con đất Việt, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó.