Siêu dự án đội vốn và cái “lưng” của người dân

Sông Hàn 03/05/2018 05:30

Hàng loạt dự án đường sắt đô thị tổng mức đầu tư cả trăm ngàn tỷ đồng liên tục đội vốn, “đói” vốn, chậm tiến độ nhiều năm trời, chưa hẹn ngày hoàn thành gây bức xúc dư luận.

Hà Nội có Dự án Cát Linh - Hà Đông với tổng vốn đầu tư 552 triệu USD vào năm 2008, trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD. Tuy nhiên, do nhiều lần chậm tiến độ, đến năm 2016, dự án đã bị đội vốn lên 868 triệu USD (khoảng 18.000 tỷ đồng), tăng 315 triệu USD. Hay, Nhổn - ga Hà Nội, sau nhiều năm triển khai, dự án cũng đội vốn từ mức 18,4 nghìn tỷ lên gần gấp đôi, với số vốn là 32,9 ngàn tỷ đồng.

Dự án Cát Linh - Hà Đông đã bị đội vốn lên 868 triệu USD (khoảng 18.000 tỷ đồng), tăng 315 triệu USD. Ảnh: Lao động

Có thể bạn quan tâm

  • Đường sắt đô thị và nỗi lo đội vốn, chậm tiến độ

    Đường sắt đô thị và nỗi lo đội vốn, chậm tiến độ

    13:05, 02/03/2018

  • Vì sao phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị TP HCM?

    06:00, 09/04/2018

  • Đường sắt đô thị số 2 Hà Nội: Đắt nhưng không xắt ra miếng

    05:04, 07/04/2018

  • Bác tin đường sắt Cát Linh - Hà Đông “vỡ” tiến độ đến 2021

    01:18, 31/03/2018

  • Dự án Đường Cát Linh - Hà Đông: “Nới” tiến độ, “lỏng” niềm tin

    05:06, 10/12/2017

Tại TP.HCM cũng có 2 dự án đường sắt đô thị khác cũng trong tình trạng tương tự.

Một là, là tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2007 là hơn 17,3 nghìn tỷ đồng. Năm 2011 được điều chỉnh lên hơn 47,3 nghìn tỷ đồng (tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng).

Hai là, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương dài 9,2km. Tổng mức đầu tư của dự án tàu điện ngầm số 2 được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010 là khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2015 UBND TP đã phải xin điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đến nay dự án đã được UBND TP.HCM trình điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 48,7 nghìn tỷ đồng..v..v.

Phải nói rằng, nạn “đội vốn”, chậm tiến độ tràn lan ở rất rất nhiều công trình, dự án nhà nước gần như trở thành điều… bình thường. Trách nhiệm thuộc về ai thì không rõ, mặc dù khi triển khai thi công, xây dựng dự án, công trình thì có rất nhiều cơ quan doanh nghiệp “danh chính ngôn thuận” thẩm định, quyết định phê duyệt. Nhưng, khi xảy ra tình trạng đội vốn khủng thì lại không thấy một cơ quan có tên nào phải chịu trách nhiệm, vẫn chỉ là “dĩ hòa vi quý”!

Với kiểu “trách nhiệm tập thể” đó thì chỉ có ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân phải chịu trách nhiệm? Tức là, chỉ có người dân “nai lưng” đóng thuế. Một điều tưởng như rất vô lý này lại rất “đúng qui trình”.

Đây là tư duy, cách làm việc đủng đỉnh, “sớm không vừa, trưa không vội”, quan liêu, xa rời thực tiễn, xa dân như một căn bệnh kinh niên của bộ máy công quyền. "Bệnh" này không thể ngày một ngày hai xử lý được.

Kế tiếp là, hệ quả của việc “Có tiền mà không tiêu được” đúng như lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Tiền có - kế hoạch có nhưng không tiêu được”. Đây là điều rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm vì Việt Nam không thiếu các dự án có ý nghĩa dân sinh, các dự án lớn cần vốn để thực hiện.

Liệu, có phải các Bộ, Ngành chưa có sự thống nhất, từ kế hoạch cho tới việc triển khai cụ thể các chương trình, dự án đầu tư, làm việc kiểu “nước đến chân mới nhảy”? Hay, các siêu dự án này chỉ là hệ quả của một nền quản trị coi ngân sách là thứ mà các nhóm quan tham “xà xẻo” được mà chẳng ai chịu trách nhiệm? Bởi có thể đối với các nhóm đầu tư công này: Dự án tiền khả thi cũng có “màu”, duyệt dự án cũng có “màu”, chấm thầu cũng cố “màu”, thi công cũng có “màu”, đội vốn cũng có “màu”, nghiệm thu cũng có “màu”, thanh quyết toán cũng có “màu”..v..v.

Xét trên tổng thể nền kinh tế thì những công trình, siêu dự án này vẫn chưa rõ hiệu quả kinh tế đến đâu, nhưng bị đội vốn “khủng” đã và đang đè nặng lên ngân sách quốc gia. Góp phần làm cho nguồn lực quốc gia suy kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của cả nước nói chung, đó là chưa kể tới những tác hại về môi trường, lòng tin của người dân suy giảm.

Thành thử, chuyện về các siêu dự án đội vốn và cái “lưng” của người dân chẳng bao giờ có hồi kết và luôn mang tính thời sự, nếu siêu dự án không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là phục vụ dân sinh và góp sức vào chấn hưng nền kinh tế.

Sông Hàn