Đắng lòng những cái “chết” từ bản năng
Hằng hà sa số những câu hỏi do đâu, vì đâu sau mỗi vụ án mạng kinh hoàng, nhưng chưa thấy một công trình nghiên cứu thật sự bài bản chỉ ra nguồn cơn cơ sự làm tha hóa con người.
Cách đây vài tuần, một cô giáo ở TP HCM bị sát hại bởi thầy giáo thể dục cùng trường vì lý do không đồng ý nối lại tình cảm! Cũng cách đây chưa lâu một nữ sinh THPT gục chết trên vũng máu dưới nhát dao chí mạng của người tình vì lý do tương tự. Và nhiều cái chết nhạt nhẽo không giấy tờ nào có thể thống kê hết.
Tôi cứ ám ảnh mãi với câu hỏi: Giữa tình yêu và lòng thù hận rồi dẫn đến hạ sát nhau bây giờ không còn ranh giới? Điều gì đang xảy ra với bản tính con người trong thời đại này?
Trong con hẻm sâu hun hút ở Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) có ba mẹ con tá túc trong căn phòng trọ hơn chục mét vuông, bà mẹ mới ngoài ba mươi nhưng toát lên vẻ già nua, quần áo xộc xệch, giữa trưa nắng vã mồ hôi hột dỗ đứa con còm cõi khóc ré vì cái nóng hầm hập phả xuống từ mái tôn hoen ố.
Đứa lớn mới vào mẫu giáo bán trú, chị phải đôn đáo tìm việc khắp chợ Đông Hà để có tiền trang trải, ai thuê gì làm đó, từ rửa bát, lau dọn, bưng bê. Chị kể: “Có lúc bế tắc lại nảy ra ý định bán thân nuôi con”.
Từng có một tổ ấm không đến nỗi nào, chồng làm công nhân trong khu công nghiệp, chị ở nhà bán tạp hóa nhỏ và trông con, nhưng biến cố đến sau khi anh mất trong một vụ ẩu đả mà lẽ ra bớt chút sĩ diện đàn ông thì cơ sự không bi đát như hôm nay.
Một chiều mưa rét buốt cách đây mấy năm, trong lúc chị chuẩn bị bữa cơm chiều đợi anh về thì nhận được hung tin từ người bạn: Chồng chị sau khi làm vài chai với bạn bè, trên đường về gây tai nạn giao thông, sau đó sinh cãi vã, do không kìm được nên xảy ra xô xát với người nhà nạn nhân, do sơ suất té ngã đập đầu vào tảng đá bên đường, cấp cứu vài hôm thì tử vong.
Người bị tai nạn cũng ra đi không lâu sau đó vì chấn thương sọ não quá nặng, gia cảnh nội ngoại đều khó khăn, trụ cột gia đình không còn, chị phải bán hết nhà cửa bồi thường cho người ta rồi ôm hai con nheo nhóc chưa biết mặt cha tha hương cầu thực.
Chị vợ và hai đứa trẻ côi cút đáng thương ấy chỉ là một trong vô số trường hợp bị bần cùng hóa vì bản tính nông nổi. Vụ án mạng chấn động dư luận ở Bình Phước cũng xuất phát từ tình cảm trai gái, một phút thiếu suy nghĩ đã xóa sổ một gia đình đang yên ấm.
Điều gì khiến con người ngày càng trội phần “con” hơn phần “người”? Chẳng ai biết gốc gác từ đâu. Một người bạn là kỹ sư công trình xây dựng nói thật như đùa, cứ vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao là lãnh đạo công ty phải mệt mỏi với những vụ xô xát giữa công nhân và lái xe, giữa thi công và bên giám sát. Nhẹ thì hòa giải, nặng thì nhập viện, lâu lâu lại có trọng án!
Tôi ngồi trong quán cà phê cạnh một ngã tư sầm uất ở TP HCM, chỉ ngồi thưởng thức cà phê mà mắt mũi nổi đom đóm vì dòng người cứ rầm rập dính vào nhau cuồn cuộn tiến lên phía trước, chẳng biết họ đi đâu, chỉ thấy ai cũng vội vã.
Lâu lâu lại phát ra tiếng “roạc”, “ken két” vì va vào nhau, lịch sự lắm thì bỏ đi, thường tình là hai ngón trỏ chỉ vào nhau, miệng lẩm bẩm gì đó. Họ xuống xe, tiến về phía nhau và xổ vào mặt nhau bằng đủ các chất giọng lơ lớ.
Tôi tự hỏi, có phải vì mưu sinh nên con người sẵn sàng dẫm lên nhau để tồn tại? Lý do này khó thuyết phục tôi, phải chăng vì quá cầu toàn truy nguyên vấn đề? Tôi cũng tự hỏi, ta chưa thật sự sống trong xã hội công nghiệp, nên nguyên nhân “kinh tế thị trường và mặt trái của đồng tiền” có vẻ xa xôi.
Gã thầy giáo kia giết chết đồng nghiệp không phải vì gã là sát nhân chuyên nghiệp, gã không muốn thế, động cơ giết người luôn luôn phát xuất từ một lối nghĩ tuyệt vọng, ai đem cho gã lối nghĩ đó? Có phải là người tình của gã hay là một nhóm lửa đã được nhen lên ở đâu đó rất sâu, rất xa.
Hằng hà sa số những câu hỏi do đâu, vì đâu sau mỗi vụ án mạng kinh hoàng, nhưng chưa thấy một công trình nghiên cứu thật sự bài bản chỉ ra nguồn cơn cơ sự làm tha hóa con người với tốc độ nhanh như thế.