Bỏ xăng A95 - đi ngược quy luật thị trường?
Nếu xem khách hàng là chủ thể của nền kinh tế hãy để họ trở thành người định đoạt sự tồn tại của sản phẩm trên thị trường.
Sẽ thế nào nếu một mặt hàng đang ăn nên làm ra, trở thành thói quen tiêu dùng của người dân, đùng một cái đề xuất hủy bỏ để thay thế bởi mặt hàng khác. Đáng nói mặt hàng mới này chưa thật sự mang đến an tâm cho khách hàng - Đó là xăng sinh học E5.
Bộ Công Thương có ý định đề xuất với Chính phủ bỏ xăng “truyền thống” A95 để thay bằng xăng sinh học E5. Một con số được đưa ra: Hai tháng đầu năm 2018, tỉ trọng bán ra của xăng E5 chiếm 42% thị phần, một con số không phải nhỏ! Vì vậy, việc cho rằng tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng rõ ràng là... hơi khiên cưỡng.
Còn nhớ một vị lãnh đạo Bộ GTVT từng phát biểu: “siết chặt hàng không cho đường sắt phát triển”. Thế nhưng ngành hàng không vẫn tăng trường vùn vụt! Cho thấy quy luật kinh tế không phụ thuộc vào ý chí chủ quan.
Hiện tượng taxi công nghệ để lại bài học, kinh doanh muốn thành công phải tôn trọng khách hàng, thành bại của doanh nghiệp phải để người tiêu dùng định đoạt. Việc can thiệp quá đà sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị trường.
Sản phẩm mới muốn chiếm được tình cảm của người tiêu dùng hãy nhập cuộc một cách sòng phẳng, "đường đường chính chính" đi vào thói quen người tiêu dùng bằng cách nâng cao chất lượng, tạo niềm tin và hạ giá thành.
Liệu cộng đồng doanh nghiệp đang kinh doanh xăng A95 có muốn sự thay đổi này. Đã có thống kê nào cho thấy dùng xăng sinh học sẽ an toàn, có lợi hơn xăng A95 hay chưa?
Một thị trường lành mạnh là nơi có sự tham gia càng nhiều mặt hàng càng tốt, thông qua cạnh tranh, cung - cầu để nâng cao chất lượng, chỉnh đốn thói quen coi khách hàng là “thượng đế”.
Nhật Bản là nơi khai sinh ra slogan bất hủ trong kinh doanh: “khách hàng là thượng đế”. Điều đó cho thấy vì sao nền thương mại Nhật Bản làm trùm Châu Á từ mấy thế kỷ trước.
Câu chuyện này liệu có liên quan gì đến cơn sốt xăng dầu Nhật Bản? Còn nhớ cây xăng Idemitsu Q8 và hình ảnh ông chủ người Nhật đội ô đứng đón khách hàng gây ấn tượng mạnh như thế nào.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên chăng có biện pháp mềm dẻo hơn, đúng lúc, đúng chỗ vào thị trường để chống độc quyền, bảo đảm quyền lựa chọn tối ưu cho người dân.
Nếu một lúc nào đó những trạm xăng không còn bán xăng A95 coi như người tiêu dùng không còn cách nào khác phải mua xăng sinh học! Có gì đó giống kiểu làm ăn độc quyền bá chủ thị trường.
Xa xôi hơn là nguồn tài nguyên dâu mỏ của Việt Nam bán cho ai khi mà người dân phải “chịu khó” dùng loại nhiêu liệu được điều chế từ thực vật. Lẽ ra với nguồn dầu mỏ phong phú người dân trong nước phải được hưởng một mức giá thấp hơn mới phải.
Nếu bỏ xăng A95 tức là gián tiếp buộc người dùng từ bỏ thói quen lâu nay. Bỏ qua quy luật “cạnh tranh” trong kinh tế thị trường, một khi thị trường không có sự tồn tại của quy luật này ắt dẫn đến độc quyền, độc quyền sẽ nảy sinh siêu lợi nhuận.
Chưa biết ai sẽ được lợi nếu ý định này thành hiện thực nhưng bên bất lợi chính là hàng chục triệu người sử dụng phương tiện động cơ đốt trong.
Xưa nay, một khi kinh doanh không tuân thủ quy luật kinh tế ắt dẫn đến hệ lụy. Chủ nghĩa độc quyền tuy là thời kỳ hưng thịnh của chủ nghĩa tư bản nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng quản lý hành chính thông thoáng và hợp quy luật. Đó là nỗ lực để vừa phù hợp với con đường tất yếu của nhân loại, đồng thời loại bỏ bớt mặt trái của nó.
Vì thế, nếu xem khách hàng là chủ thể của nền kinh tế hãy để họ trở thành người định đoạt sự tồn tại của sản phẩm trên thị trường.