"Giáo sư quần đùi" về Mỹ: Khi Luật... "khắt khe quá hóa dở"!
Đề nghị công nhận GS Trương Nguyện Thành làm Hiệu trưởng của Trường ĐH Hoa Sen đã không có kết quả do giáo sư "chưa đạt chuẩn". Trở về Mỹ, vị "Giáo sư quần đùi" sẽ để lại nhiều nuối tiếc...
GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen đã chính thức có thư chia tay với giảng viên, nhân viên của trường sau một năm gắn bó.
Trong thư điện tử gửi cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của trường ĐH Hoa Sen, GS Trương Nguyện Thành cho biết ông sẽ không tiếp tục đồng hành cùng trường.
“Hơn một năm qua, tôi có cơ hội đồng hành cùng anh/chị/em vượt qua nhiều thử thách trong thời gian đầu khi Ban Giám hiệu mới tiếp quản trường cũng như cùng nhau xây dựng nhiều dự án mới sau đó… Trường ĐH Hoa Sen sẽ có vị hiệu trưởng mới xứng đáng. Hiệu trưởng nào cũng có chiến lược phát triển riêng của mình cho trường và cần những người phó hiệu trưởng có khả năng chia sẻ, triển khai những chiến lược này. Do đó tôi rất tiếc là sẽ không đồng hành cùng anh/chị/em trên bước đường tương lai…", GS viết.
Ông cũng chia sẻ, “Tuy được tín nhiệm bởi Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Đại học Hoa Sen với 16/18 phiếu, qui trình công nhận vị trí Hiệu trưởng theo Luật Giáo dục Đại học Việt Nam thì tôi chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do đó Bộ Giáo dục và Sở GD-ĐT không đủ cơ sở để đề xuất UBND TP HCM công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi. Đây là điều đáng tiếc ngoài mong đợi của HĐQT, toàn thể giảng viên, nhân viên, và sinh viên cũng như của riêng tôi”.
Trước đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản gửi Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT về việc công nhận hiệu trưởng ĐH Hoa Sen đối với ông Trương Nguyện Thành, căn cứ tờ trình của Hội đồng quản trị (HĐQT) trường ĐH Hoa Sen đề nghị công nhận ông Trương Nguyện Thành giữ chức hiệu trưởng nhiệm kỳ 2017-2022.
Đề nghị này được trình lên từ kết quả phiên họp thường kỳ của trường, với 16/18 thành viên HĐQT tán thành việc bầu ông Thành là hiệu trưởng, đạt tỉ lệ 88,89%, sau một năm ông đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Điều hành Trường Đại học Hoa Sen kể từ ngày 17/1/2017.
Trường hợp GS Trương Nguyện Thành không "đạt chuẩn" để bổ nhiệm Hiệu trưởng, theo đánh giá của giới quản lý và chuyên môn, không liên quan đến trình độ. Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, căn cứ Điều 20 Luật Giáo dục đại học quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, có sức khỏe tốt.
Ông Trương Nguyện Thành có độ tuổi và các quy định phù hợp khi tỷ lệ bỏ phiếu kín cao. Nhưng về quy định tham gia cấp quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, ông Thành có tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa ĐH Utah từ năm 1993 đến nay, nhưng do sự khác nhau về bộ máy tổ chức giữa cơ sở giáo dục trong nước và ngoài nước nên Sở GD-ĐT TPHCM chưa thể thẩm định việc tham gia quản lý của ông Thành có phù hợp với tiêu chuẩn hiệu trưởng hay không.
Theo đó, Sở đã có văn bản đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT thẩm định trường hợp này và sớm hướng dẫn cụ thể đối với việc công nhận ông Trương Nguyện Thành là hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nhiệm kỳ 2017-2022. Và kết quả đã không như mong đợi.
Một nhà giáo dục không muốn nêu tên cho rằng quyết định cho rằng GS Trương Nguyện Thành "không đủ chuẩn để bổ nhiệm Hiệu trưởng", nếu chỉ chiếu theo Luật là quá vội vàng và có thể còn do ngại trách nhiệm. Bởi về bề mặt pháp lý, Bộ căn cứ các nội dung quy định trong Luật để ra quyết định, hoàn toàn đúng và thượng tôn pháp luật. Nhưng trong trường hợp này, việc thẩm định tham gia quản lý của ông Thành ở cơ sở giáo dục nước ngoài có tương đương với cơ sở giáo dục Việt Nam hay không, lại không nằm trong nội dung Luật có không quy định cụ thể.
"Nếu Luật có quy định cụ thể, đã không phải thẩm định. Dưới Luật, có Nghị định, Thông tư, văn bản nào hướng dẫn cụ thể cho các trường hợp như vậy hay không? Nếu có, tại sao Sở Giáo dục Đào tạo không sử dụng làm căn cứ mà phải đề nghị cơ quan quản lý cấp cao hơn thẩm định? Nếu không, thì quyết định như vậy liệu là căn cứ trên cơ sở tương đương hoặc không tương đương nào; và nên xem là một quyết định có tính tiền lệ - thật sự đáng tiếc không chỉ cho Đại học Hoa Sen, mà còn cho cả Giáo dục Việt Nam?", vị này nói.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong hơn 1 năm kể từ khi chính thức nhận lời mời về với Đại học Hoa Sen, nơi vừa bước ra khỏi "vùng tranh chấp" của 2 nhóm cổ đông/ HĐQT ở một giai đoạn trước và cần kiến tạo lại hình ảnh trên nền tảng chuyên nghiệp và chất lượng, thương hiệu sẵn có, GS Trương Nguyện Thành đã có đóng góp "làm mới" không khí cũng như tinh thần của ngôi trường này.
Ông được biết đến với biệt danh "GS Quần đùi" trong một lần thị phạm mặc áo vest quần đùi để nói về tinh thần khởi nghiệp trước sinh viên. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh nhỏ. Với uy tín giảng dạy, đào tạo ở môi trường đại học quốc tế, đặc biệt, là sáng lập Mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam trên thế giới iVANET.Org (International Vietnamese Academics Network) với mục tiêu là tập hợp những người làm khoa học gốc Việt để giúp đỡ lẫn nhau và cơ hội hợp tác cũng như giúp đỡ các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam và mạng lưới này hiện đã có hơn 8.000 thành viên tham gia; chiến lược và tầm nhìn của Đại học Hoa Sen thời kỳ mới, xác định trở thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực đẳng cấp quốc tế của người Việt, ngay từ đầu 2017 trở nên "vững vàng" và có niềm tin hơn. Hay nói chính xác là nhiều người đặt vào ĐH Hoa Sen trong chiến lược mới, trong đó có một phần nhờ uy tín và tầm ảnh hưởng của Ban Giám hiệu và Phó Hiệu trưởng Điều hành.
Trên website của Trường Đại học Hoa Sen, ghi nhận các thông tin về Phó Hiệu trưởng điều hành Trương Nguyện Thành: "Với kinh nghiệm quản trị đại học và nghiên cứu khoa học phong phú, tầm vóc quốc tế, tin rằng GS.TS Trương Nguyện Thành sẽ có rất nhiều ý tưởng và giải pháp tối ưu để xây dựng Đại học Hoa Sen trở thành một trường đại học tầm vóc Quốc tế, giúp Hoa Sen trở thành đơn vị hàng đầu phía Nam trong đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế".
Với tầm ảnh hưởng và uy tín của một vị GS như vậy, việc ông về Mỹ sẽ là nuối tiếc lớn cho nhiều sinh viên đã và đang theo học tại ĐH Hoa Sen nói riêng, cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung. Những thông điệp mới mẻ về giáo dục của ông, tất nhiên và chắc chắn, đã và đang có nhiều người tiếp tục. ĐH Hoa Sen rồi sẽ bầu Hiệu trưởng mới. Nhưng sau những sự ra đi của những người đã "bơi ra biển lớn" và sẵn sàng trở về đóng góp cho quê hương..., mà nguyên nhân để khiến họ ra đi lần nữa, là khách quan, thượng tôn pháp luật, là do...Luật, vậy thì Luật có nên điều chỉnh, xem lại, sửa đổi, bổ sung, có nên xem lại và thay đổi sao cho Việt Nam không chảy máu chất xám, không chặn dòng thu hút người tài đến Việt Nam?
Luật lỏng lẻo, sẽ là hệ lụy trực tiếp cho chất lượng giáo dục. Nhưng mà Luật...cứng nhắc quá, khắt khe quá, thì bao giờ các Trường Đại học trong nước mới dám "mơ" mời các GS quốc tế, các nhà quản lý kỳ cựu ở các trường ĐH lớn trên thế giới, về làm việc, lãnh đạo và dẫn đầu ở các Trường ĐH của Việt Nam?