“Thảm đỏ” và khi nhân tài dẫm phải “đinh”
Nhân tài đã như lá mùa thu, con đường để nhân tài sải bước cũng phủ đầy lá rụng, không thấy thảm ở đâu.
Không còn từ nào mĩ miều hơn “trải thảm đỏ” khi nói về trọng dụng nhân tài, không có gì tôn đẳng cấp con người cao hơn khi sải bước trên thảm đỏ. Nếu không phải là yếu nhân thì phải là người có tài năng xuất chúng mới đủ điều kiện đi trên tấm thảm này.
Từ khi người ta thống kê mười bảy mùa Olympia có đến mười sáu quán quân không chọn ở lại mảnh đất hình chữ S, chỉ một trường hợp hiếm hoi quay về nhưng làm việc cho công ty Mỹ. Từ đây, chuyện chất xám “chảy máu” mới bung nụ nở hoa.
Khá lâu rồi, tình cờ tôi đọc được title báo không thể xa xót hơn “Trên trải thảm, dưới rải đinh, giữa linh tinh vừa còng vừa lệ”. Hình hài của những “đinh”, “còng”, “lệ”, “linh tinh” rõ mồn một trong “mối tình” giữa một trí thức tầm cỡ thế giới với chính quê hương mình.
Khi nói những điều này e rằng làm phật lòng nỗ lực kiếm tìm tài năng bằng… cả rừng văn bản! Nhưng những gì diễn ra lâu nay với người tài năng, có lẽ đã nói thay hàng ngàn bài viết ngắn dài.
Cách đây 1 năm giáo sư Trương Nguyện Thành (xuất thân từ đại học Utah, Hoa Kỳ) gặp rắc rối với chiếc quần đùi lên bục giảng, người ta bắt đầu mường tượng ra con đường bằng thảm đỏ hình như…có “gì đó” ở dưới?
Lo lắng ấy quả thật không thừa, giáo sư Thành đã nói lời giã biệt đồng nghiệp ở Việt Nam, ông trở về Mỹ và mang theo một lý do vô cùng hành chính: Không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng theo Luật giáo dục đại học Việt Nam.
Không biết nên vui hay buồn. Chẳng lẽ vui vì luật pháp nước ta được phát huy rất cặn kẽ, rất đúng lúc, loại được người không đủ tiêu chuẩn!? Nhưng chắc chắn sẽ rất buồn vì tấm thảm mà người ta trải để mời vị giáo sư “hàng hiếm” đã đi đến những centimet cuối cùng. Ai nối cho tấm thảm này dài thêm?
Một đoạn ngắn từ Phó Hiệu trưởng điều hành nhà trường đến mất chữ “Phó” sao trở nên dài thăm thẳm? Đoạn ngắn đó được đo bằng khoảng cách hơn chục ngàn cây số từ Đông sang Tây bán cầu và không biết bao nhiêu năm nữa mới có một “ông Thành Việt Nam” khác thu xếp hành lý, nói lời từ biệt đồng nghiệp Mỹ “tôi về cống hiến cho quê hương tôi”.
Ước ao lắm thay Luật pháp “có mặt” ngay những lúc, những nơi mà người ta bổ nhiệm cho nhau “sai quy trình”, khó hiểu lắm thay người ta luôn quên mất Luật mỗi khi có ý định tự tư tự lợi và cũng thật là hay, người ta vớ được Luật ngay đúng lúc có “ghế trống”.
Chẳng biết những trường đại học – họ thật sự cần gì nếu không phải là chất xám? Có ai đó từng lý luận rằng, giữa giỏi kiến thức và làm lãnh đạo là hai việc khác nhau, nghĩa là giỏi chưa chắc làm tốt việc quản lý, lãnh đạo, còn vế thứ hai, xin được để độc giả nói giùm.
Có thể bạn quan tâm
|
Quan điểm này đúng hay sai, thật khó chốt hạ. Nhưng có điều, chẳng nhẽ làm lãnh đạo, quản lý không cần đến kiến thức, và kiến thức không giúp ích gì cho người lãnh đạo, quản lý? Cái này có thể khẳng định ngay là sai.
Trên thế giới không có ngôi trường nào đạo tạo lãnh đạo, quản lý mà không tuyển chọn những con người có nền tảng tốt, tư chất vượt trội…- những thứ ấy tạm gọi là kiến thức vậy. Năm xưa ở Hy Lạp cổ đại, một triết gia lừng danh đã thành lập trường dạy Triết học, ngoài cổng đề dòng chữ lớn “Ai không biết hình học xin đừng vào đây”.
Ngày nay, có lẽ các trường đại học cũng nên học hỏi mà đề cái bảng thật trang trọng “Ai không đủ kiến thức xin đừng làm Hiệu trưởng”.
Ai nhặt “đinh” dưới thảm đỏ?
Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn nhưng nó cần thiết trong lúc này, một giáo sư khả kính khó “đỡ” cho cả nền giáo dục trở nên đẳng cấp. Song người ta thường nói mùa xuân thường bắt đầu từ một vài cánh én.
Luật pháp cũng do con người đặt ra và cũng có thể đổi thay nếu một khi nó ngáng đường tiến bộ. Không có ngoại lệ nào cho những người như giáo sư Thành chăng? Người viết không mạo muội quá mức vì yêu mến một tri thức mà khơi mào xáo trộn, nhưng nếu có thêm nhiều “giáo sư Thành” thì không thể không lưu tâm.
Trương Nguyện Thành ra đi là vì dẫm phải “đinh” dưới tấm thảm đỏ mà trước đây chúng ta trải sẵn. Ai rải thảm chắc chắn người đó biết chỗ nào có “đinh”, chính người đó, chủ thể đó có trách nhiệm như vậy.
Làm sao để tiệm cận với tri thức nhân loại? Bằng con đường tự “sản xuất” e rằng khó kịp. Chính ở nước Mỹ, nền giáo dục đại học Mỹ đồ sộ như ngày nay cũng bắt nguồn bằng “thu” và “hút”. Để tạo ra một “miền đất hứa” ở vùng “trũng”, không biết tới khi nào, nhưng làm thông thoáng chính sách, cơ chế là điều có thể thực hiện sau một đêm thức dậy.
Nhân tài đã như lá mùa thu, con đường để nhân tài sải bước cũng phủ đầy lá rụng, không thấy thảm ở đâu. Có ai đó nhận ra rằng, để nhân tài ra đi vì lý do hành chính là một thất bại về mặt chính sách?