Thu phí dịch vụ ATM: Làm sao để hài hòa lợi ích đôi bên?

Sông Hàn 11/05/2018 11:00

Câu chuyện các ngân hàng tăng phí dịch vụ ATM lại trở thành chủ đề nóng khi thời gian gần đây nhiều ngân hàng lớn đồng loạt tăng phí dịch vụ rút tiền nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng.

Những bức xúc từ cộng đồng dư luận khiến cho Ngân hàng Nhà nước vừa phải “thổi còi” các ngân hàng đồng loạt tăng phí dịch vụ thẻ ATM. Đây chỉ là 1 trong cả “rừng” loại phí mà khách hàng phải trả, trong đó có không ít các loại phí được cho là “trời ơi đất hỡi”.

Thừa nhận, mức tăng phí rút tiền nội mạng của ngân hàng hiện nay vẫn dưới mức quy định tối đa cho phép dưới 3.000 đồng/giao dịch, nhưng tăng dồn dập gây phản cảm cho khách hàng sử dụng, khiến khách hàng sử dụng thẻ luôn có cảm giác rằng ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, vì tính ra rất nhiều loại phí.

Có thể chỉ ra những danh mục biểu phí hiện nay đang dày đặc như: Khi mở thẻ, chủ thẻ phải trả phí mở thẻ, trong quá trình sử dụng thì nộp phí duy trì tài khoản và khi dừng dịch vụ đóng tài khoản cũng phải nộp phí 50.000 - 140.000 đồng. Chủ thẻ hằng tháng hiện nay ngoài đóng phí dịch vụ tin nhắn từ 8.800 - 11.000 đồng còn phải đóng rất nhiều các loại phí rất khó chấp nhận như vắn tin, in sao kê tài khoản 500 đồng/lần, chuyển khoản nội mạng 2.000 đồng/giao dịch..v..v.

Với chuyện tăng phí dịch vụ ATM, dĩ nhiên, ngân hàng duy trì máy ATM phục vụ thì khách hàng phải tốn phí, nhưng công bằng mà nói, các máy ATM này cũng chính là dịch vụ để ngân hàng thu hút khách hàng gửi tiền, để tiền trong tài khoản của ngân hàng và ngân hàng có thể sinh lời số tiền gửi đó bằng nhiều cách khác nhau.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Ngân hàng bên Mỹ chỉ thu một vài loại phí với mức tượng trưng thôi. Họ quan niệm rằng, khách hàng gửi tiền trong ngân hàng là khách hàng cho ngân hàng vay để kinh doanh. Do đó, ngân hàng sử dụng tiền đó của khách hàng cho vay là đã sinh lời rồi. Còn ở Việt Nam, nhiều ngân hàng đang có tư duy khách hàng đến ngân hàng như là đi xin xỏ ngân hàng nên đưa ra phí là bắt buộc. Đây là tư duy không phù hợp”.

Theo một số liệu công bố của Ngân hàng nhà nước, số lượng thẻ mà các đơn vị phát hành hiện nay là 132 triệu thẻ. Chỉ với mức phí quản lý tài khoản từ 2.000 - 5.000 đồng/tài khoản/tháng, hệ thống ngân hàng đã “bỏ túi” mỗi tháng từ 200 - 600 tỉ đồng. Nếu tính tất cả các loại phí, các ngân hàng đang thu một khoản “khổng lồ” từ khách hàng.

Trong khi, có một thực tế là khi ký hợp đồng chi lương với cá nhân, Doanh nghiệp, ngân hàng đã có lợi nhiều thứ. Công ty, cá nhân phải mở tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng quản lý dòng tiền từ doanh nghiệp, cá nhân, được hưởng tiền gửi từ khách hàng, chiết khấu thanh toán, mở thư tín dụng... Điều này cũng có nghĩa, các ngân hàng được hưởng lợi rất nhiều từ phía và chủ thẻ chịu thiệt nhưng cũng không làm được gì.

Mặt khác, do vẫn là một nước đang phát triển, môi trường, trình độ, văn hóa… là các yếu tố khiến chúng ta vẫn sử dụng tiền mặt nhiều hơn là thanh toán qua thẻ, qua ngân hàng. Hệ quả là, Việt Nam là quốc gia có số lượng thanh toán không dùng tiền mặt thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Thế nên, khi phí dịch vụ tăng lên, người dân có xu hướng sử dụng tiền mặt tăng sẽ ảnh hưởng đến chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

Vấn đề đặt ra là, sao các ngân hàng cứ “nhăm nhe” tính xem thu về được bao nhiêu tiền từ người dân, khách hàng, mà không tính toán chi li những tác động xã hội từ việc tăng phí của mình?

Dân đã gánh quá nhiều thuế, phí! Thế nên, giải pháp tốt nhất có lẽ là việc tìm và đưa ra được một mức thu phí vừa hài hòa lợi ích của các ngân hàng vừa đáp ứng được mong muốn của khách hàng. Nếu không, chúng ta cứ mãi trong vòng luẩn quẩn của tư duy “chộp giật” trong phát triển và người thiệt thòi cuối cùng cũng chỉ là khách hàng mà thôi.

Sông Hàn