“Công tác cán bộ” và yêu cầu từ thực tiễn

Trương Khắc Trà 13/05/2018 07:40

Bài phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ 7 của Tổng Bí thư chứa nhiều luận điểm mang tính lý luận nền tảng về con người, nhất là yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều điểm mới trong Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ

    Nhiều điểm mới trong Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ

    19:20, 12/05/2018

  • Tinh giản biên chế để tăng lương cán bộ: Ai sẽ ra khỏi bộ máy?

    09:43, 12/05/2018

  • Xây dựng chất lượng cán bộ là đặt nền móng cho lòng tin nhân dân

    05:33, 12/05/2018

  • 4 kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị Trung ương 7

    22:09, 11/05/2018

Đó là con người “thực tiễn”; “xây” và “chống”; “đức” và “tài”; “hồng” và “chuyên”; “phổ biến” và “đặc thù”. Những luận điểm này càng có giá trị khi mà người đứng đầu Đảng cho rằng: “Phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về cán bộ và công tác cán bộ”. Có thể hiểu một cách khái quát là phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về con người.

Tìm ở đâu ra lý luận về con người nói chung và công tác cán bộ nói riêng? Không nơi đâu khoa học, biện chứng, toàn diện, thực tiễn và sâu sắc như những gì các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã xây dựng.

Sợ rằng, không đủ giấy mực để dẫn ra đây những luận điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện rất nhiều về con người, công tác cán bộ trong tiến trình cách mạng và trên con đường cứu nước cho dân tộc ta.

Nhưng có thể trình bày và hiểu rất nhanh hơn hai mươi chữ của Bác được biên trong Hồ Chí Minh toàn tập (tập 5) “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém”.

Chuyện kể rằng, một lần về thăm cơ sở, Bác cùng đoàn công tác bắt gặp một tốp nam thanh nữ tú đang ngồi chuyện trò rôm rả. Bác hỏi: “Các cháu đi đâu mà vui thế?”. Cả nhóm đồng thanh: “Chúng cháu đi học chính trị ạ!”. Bác lại hỏi tiếp: “Thế học chính trị có vui không?”. Tất cả rộ lên: “Dạ vui ạ”. Thế có hiểu gì không? Bác hỏi. Chỉ một vài người lí nhí: “Dạ…không ạ!”.

Việc “nhận thức sâu sắc và đầy đủ” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nói ở đây là gì? Đó chính là học tập lý luận. Những gì diễn ra rất đau lòng, từ tham nhũng, lãng phí, lạm dụng quyền lực, tham quyền cố vị, chạy chức, chạy quyền đến tha hóa biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa… cùng có chung một nguồn gốc, đó là chưa “thấm nhuần” đạo đức cách mạng, coi nhẹ học tập lý luận dẫn đường.

Chống suy thoái cán bộ bằng cách… học tập lý luận, có vẻ xa xôi. Nhưng có thể hiểu một cách rất Triết học rằng, thiếu lý luận sẽ dẫn đến thực tiễn mù quáng. Bởi mù quáng nên nhiều cán bộ các cấp khiến lòng dân úa màu.

Nhiều người cho rằng, chính là vì các vị ấy… không thấm thía trước nỗi khổ của nhân dân! Không thấm nhuần chân lý người cộng sản chân chính là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Nhìn lại lịch sử cách mạng thành công để thấy rằng chính thế mà “cháo bẹ”, “rau măng”, “bàn đá chông chênh” lại trở thành biểu tượng lưu danh thiên cổ. Thế mới thấy Tố Hữu thật đúng: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Rất bế tắc nếu cán bộ hỏng đổ lỗi do cơ chế. Tuy không phủ nhận cơ chế tác động trở lại con người nhưng cơ chế không trên trời rơi xuống, mà do con người đặt ra. Con người tốt, sẽ kiến tạo cơ chế tốt, đến lượt nó, khi cơ chế tốt sẽ nuôi dưỡng con người ngày một tốt hơn. Ấy là cái tứ của câu nói “cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Khi đặt ra yêu cầu Uỷ viên Bộ Chính trị phải tiêu biểu về trí tuệ, tức là để lại đằng sau những vấn đề dư luận xã hội đã tỏ tường. Bởi đó là tiền đề cho những quyết sách hưng thịnh của đất nước.

Trong bối cảnh hiện tại, giải pháp căn cơ mà Hội nghị Trương ương lần này đã định hình trong công tác chỉnh đốn hàng ngũ cán bộ tận gốc phải bắt đầu từ lý luận dẫn đường, rồi tiếp đến là các vấn đề thực tiễn như tiền lương, chế độ đãi ngộ. Và tựu trung lại là xây dựng lực lượng lãnh đạo đất nước là những con người có trí tuệ, đạo đức, con người thực tiễn, con người vì dân. Nó được khái niệm là “người vô sản chân chính”.

Trương Khắc Trà