“Hiệp sĩ đường phố” dưới góc nhìn văn hóa
Xét từ yếu tố văn hóa thì "hiệp sĩ" là biểu trưng cho tinh thần nghĩa hiệp – một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Sài Thành nói riêng và của người Việt nói chung.
Vụ án chấn động làm chết hai “hiệp sĩ” vào đêm 13/5 vừa qua, không chỉ địa bàn TP HCM, mà cả nước gây bàng hoàng và chấn động vì tin dữ. Ai cũng ngậm ngùi tiếc thương cho sự ra đi cùng lúc của 2 “hiệp sĩ đường phố” nhóm Tân Bình.
Những nhóm “hiệp sĩ” như thế này đã xuất hiện cách đây gần 20 năm và “nở rộ” gần 10 năm nay, ban đầu ở Bình Dương sau đó lan ra nhiều tỉnh – thành ở Nam Bộ. Riêng ở TP HCM hiện có đến hàng chục nhóm “hiệp sĩ”. Không ít người dân, nhờ sự giúp đỡ của các “hiệp sĩ” mà giữ được tính mạng và tài sản.
Rõ ràng, giữa vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, con người đang phải vật lộn từng giờ để kiếm bữa ăn, nhưng không vì thế mà tinh thần vị nghĩa được xem nhẹ. Chính hành động lấy tình nghĩa và đạo lý làm chỗ dựa tinh thần cho sự gắn bó, liên kết giữa người với người đã khiến sức mạnh được nhân lên, điều đó lý giải vì sao những con người dũng cảm - nhóm hiệp sĩ - xả thân bảo vệ lẽ phải ngày một nhiều.
Cụ Nguyễn Du từng viết rằng:
“Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”.
Đoạn thơ ca ngợi Từ Hải là một anh hùng đích thực giàu nghĩa khí qua đó nêu bật và khẳng định cảm hứng nhân văn, nói lên khát vọng tự do của con người thời đại. Chỉ với 14 từ, song câu thơ đã thể hiện thể hiện một lý tưởng anh hùng tuyệt đẹp, như một lời tuyên chiến với mọi cái ác, cái bất công ở đời.
Từ mấy trăm năm qua, thấm đẫm trong ý thức, khí huyết hầu hết con người Việt Nam, đặc biệt là người miền Nam, luôn có cội nguồn tinh hoa văn hóa nghĩa khí – hào hiệp. Không chỉ anh nông dân nghèo, phú ông tốt bụng, trí thức Nho học, Tây học ngày xưa, mà ở thời điểm hiện tại, ngay cả sinh viên, xe ôm, người bán thịt heo, kỹ sư xây dựng, doanh nhân…, họ đều hướng đến lý tưởng sống hết lòng với giá trị tinh hoa: Trọng nhân nghĩa, hào hiệp… với bà con làng xóm và cộng đồng. Giá trị đó, luôn có trong mỗi con người và khi gặp chuyện bất bình, ngọn lửa nghĩa hiệp đó lại cháy lên, tạo nên những giá trị đẹp cho đời.
Chả thế mà, khi đến thăm các “hiệp sĩ” đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã thay mặt lãnh đạo và nhân dân thành phố cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của tập thể các “hiệp sĩ đường phố”, không quản ngại nguy hiểm, xả thân bảo vệ bình yên cho nhân dân và cho rằng: “Việc làm của nhóm “hiệp sĩ” thể hiện sự nghĩa hiệp, truyền thống tốt đẹp của người Việt”.
Có thể bạn quan tâm
|
Theo một thống kê của Công an Bình Dương, từ năm 1997 đến nay, các nhóm “hiệp sĩ đường phố” đã khám phá, bắt hơn 2.000 vụ phạm pháp hình sự. Còn tại TP HCM, hàng trăm vụ án cũng được khám phá, được lãnh đạo chính quyền, công an trao tặng bằng, giấy khen.
Điều này lý giải vì sao người dân thành phố cũng nhiều vùng miền khác lại gọi những người hùng này là "hiệp sĩ" - một tước hiệu cao quý mà chỉ có vua mới có quyền ban tặng ở các nước châu Âu vào thời phong kiến - tước hiệu vốn chỉ dành cho những người can đảm, trọng nghĩa và dám xả thân bất vụ lợi vì người khác.
Không chỉ chuyện “hiệp sĩ đường phố”, mà thời gian qua, ngay chính mảnh đất này, chúng ta vẫn thấy những hành động nghĩa hiệp, tương trợ nhau của người dân, điển hình là vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza vừa qua.
Vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza khiến 13 người chết và 91 người bị thương làm nhiều người rơi nước mắt, không chỉ bởi những đau thương mất mát của nạn nhân, mà còn bởi tình người, sự tỏa sáng của phẩm chất nghĩa hiệp, nhân ái của người dân. Trong đó, sự hi sinh của một bảo vệ tên An, một lần nữa làm tỏa sáng phẩm chất nghĩa hiệp của người miền Nam, không tiếc tính mạng vì sự an nguy của người khác.
Thực tế, tính mạng họ còn không tiếc, người dân nơi đây sẵn lòng chia sẻ, cưu mang người hoạn nạn. Ngay sau khi đám cháy xảy ra, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện cùng chung tay chăm lo, giúp đỡ các gia đình bị nạn, từ chai nước, bữa cơm, tấm mền..v..v.
Họ – “Hiệp sĩ đường phố”, cho đến những con người phóng khoáng, hào hiệp trong vụ cháy chung cư, và còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương khác lẩn khuất trong mọi ngõ ngách Sài Thành, trong “muôn hình vạn trạng” của các vấn đề xã hội, trật tự trị an của thành phố. Họ chính là những con người “nói ít làm nhiều”, thể hiện được những sức mạnh bản chất của con người họ, những sức mạnh biểu trưng cho chân thành, thiện nguyện mà không cần hoa mỹ, lợi danh.
Những hành động đó ít nhiều minh chứng rõ cho tính cách: Mộc mạc, phóng khoáng, thương người, nghĩa hiệp, tương trợ đồng bào lâm nạn, khó khăn một cách vô tư, nhiệt thành. Đây là những phẩm chất đáng quý của người Nam bộ nói riêng, đã được cộng đồng cư dân thành phố mang tên Bác giữ gìn, phát huy từ nhiều thế kỷ.
“Chiến sĩ không biên chế”, xin được gọi những “hiệp sĩ đường phố” bằng cụm từ đó. Có lẽ, chúng ta phải cảm ơn họ vì đã cho ta thấu hiểu được giá trị cuộc sống, những hành động, việc làm đã đem đến cho ta niềm tin vào tinh thần vị nghĩa. Phải chăng, tinh thần nghĩa hiệp cần phải được tôn vinh đề cao hơn nữa? Để thế hệ trẻ ngày nay có một cách nhìn cuộc sống tích cực hơn, đúng đắn hơn, từ đó sẽ làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Thiết nghĩ, với một đô thị mang tính đặc thù như TP HCM, đã đến lúc chính quyền nơi đây cần phải học hỏi mô hình của tỉnh Bình Dương và gấp rút tạo nên một hành lang pháp lý để tạo “điểm tựa” cho những nhóm “hiệp sĩ đường phố” hoạt động.
Hãy để cho họ, giúp cho họ phát huy và nhân lên giá trị văn hóa, cốt cách tinh thần tốt đẹp của con người Sài Gòn và Nam Bộ nói riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm tính cách con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.