Thu giá hay thu phí?

Trương Khắc Trà 23/05/2018 14:14

Bản chất của “trả giá” hay “trả phí” thì người dân vẫn tốn một khoản tiền khi tham gia giao thông.

Phí hay lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Ví dụ như lệ phí tuyển sinh, lệ phí giấy tờ, lệ phí trước bạ... bản chất nó là biểu hiện giá trị bằng tiền của thù lao, giá cả và chi phí bỏ ra để thực hiện hoặc buộc phải thực hiện một hoạt động nhất định nào đó. Việc thu phí, thu lệ phí thường được quy định cụ thể ở mỗi quốc gia.

“Giá” là gì? với tư cách là một tính từ, thông thường người ta hay hiểu là “giá cả” hoặc “giá trị”, vì vậy “giá” trong phạm vi tính từ chỉ biểu hiện tính chất, mức độ, hình thái, số lượng của sự việc. Bản chất của từ “giá” rất sáng nghĩa, nhưng chỉ đi kèm với “giá cả”, “giá trị”… còn nếu đặt thêm tiền tố “thu” từ “giá” lại hoàn toàn khác.

Nên có thể khẳng định cụm từ “thu giá” mà các trạm BOT trưng ra không liên quan gì đến một loại phí mà người tham gia giao thông phải đóng mỗi lần đi qua. Có điều dù là “phí” hay “giá” - với BOT chỉ có một mục đích là thu tiền.

Căn cứ Luật phí, lệ phí và Luật giá, có thể nói gọn, “phí” là do người dân đóng cho khu vực công khi sử dụng một dịch vụ nào đó, còn “giá” chỉ được dùng khi người dân sử dụng dịch vụ do tư nhân cung cấp. Đây không phải là lập lờ mà được điều chỉnh bởi luật hẳn hoi. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó.

Thu giá hay thu phí? Vấn đề đang gây tranh cãi

Thu giá hay thu phí? Vấn đề đang gây tranh cãi (ảnh: Internet)

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Giao thông đề xuất bỏ quy định trạm thu phí cách nhau tối thiểu 70km

    04:52, 15/05/2018

  • Bộ Giao thông Vận tải cam kết giải quyết ổn thoả các “điểm nóng” BOT

    16:42, 22/05/2018

  • TP HCM: Đấu thầu các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức BT, PPP, BOT

    12:47, 14/05/2018

  • Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT tại Bình Phước

    11:00, 09/05/2018

Chiểu theo hai đạo Luật trên, ví dụ đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công gọi là “Viện phí” còn khám chữa bệnh ở bệnh viện tư gọi là “Viện giá”. Vấn đề ở chỗ “Viện giá” và “Viện phí” khác nhau thế nào, có chức năng phân biệt hoặc điều chỉnh hành vi hay không? Tương tự, “thu giá” và “thu phí” cùng một bản chất nhưng tại sao phải dùng hai cụm từ khác nhau?

Có thể nói rằng, việc tranh luận ngữ nghĩa liên quan đến BOT chỉ là “trà dư tửu hậu”, hay nói cách khác, đó chỉ là hệ quả của cái người dân “giận cá chém thớt”. Vì sao các bệnh viện tư không sử dụng “Viện giá”, vì sao các nhà ngôn ngữ học không cần tranh luận vấn đề này?

Hai từ “thu giá” không có trong từ điển tiếng Việt, nó hoàn toàn là một từ vô nghĩa, ở khía cạnh ngôn ngữ học không thể lấy một từ vô nghĩa để phản ánh một hoạt đồng đầy đủ ý nghĩa. Làm “tối” tiếng Việt.

Đúng là ngôn ngữ có tính võ đoán và có tồn tại kho tàng từ ngữ tiềm năng, tức là chưa sử dụng, nhưng một khi đã được phản ảnh trong Luật, văn bản chính thức thì phải được kiểm chứng, đánh giá cho hợp lý, khoa học về mặt ngữ nghĩa.

Bản chất của “trả giá” hay “trả phí” thì người dân vẫn tốn một khoản tiền khi tham gia giao thông, hai cụm từ này chỉ có chức năng phân biệt “công - tư”. Vậy mục đích của việc phân biệt “công - tư” có tác dụng gì? Vì sao không thống nhất “giá” và “phí” vào một đạo Luật để tránh rườm rà. Nếu cần phân biệt “công - tư” không nhất thiết phải sử dụng từ ngữ chưa rõ nghĩa.

Có điều, trước lúc BOT căng thẳng từ Bắc chí Nam người ta vẫn sử dụng cụm từ “trạm thu phí cầu đường bộ” hoặc có nơi người dân gọi tắt là “trạm vé”. Chỉ sau thời gian tranh cãi gay gắt mới đồng loạt đổi tên.

Tức là, việc đổi tên không đơn giản bắt nguồn từ Luật, nếu vì Luật thì cái tên “thu giá” chắc được sử dụng sớm hơn. Có hay không một động thái để làm nhẹ dư luận?

Tuy nhiên, như đã nói, tranh luận “giá” hay “phí” chỉ có ý nghĩa về mặt ngữ nghĩa, ngôn ngữ học. Còn cái quan tâm nhất với người dân ở chỗ tiền phải đóng ít hay nhiều, tăng hay giảm; chất lượng cầu đường tốt hay xấu; mật độ đặt trạm đã hợp lý hay chưa.         

Trương Khắc Trà