Cảm ơn quyết định thu hồi đề án của Bộ trưởng Giáo dục!

Sông Hàn 25/05/2018 11:00

Mặc dù đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thu hồi, song dư âm của nó vẫn còn âm ỉ.

“Giai đoạn 2018-2020, Bộ Giáo dục – Đào tạo tiếp tục quyết định chi tới 749 tỷ đồng cho đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng”. Thông tin vừa được công bố nhận được nhiều ý kiến phản hồi không tích cực,  khiến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phải chỉ đạo thu hồi đề án, yêu cầu bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính.

Đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thu hồi.

Dù thu hồi, nhưng dư âm của nó vẫn còn âm ỉ. Bởi, đây là lần thứ 4 liên tiếp Bộ Giáo dục – Đào tạo muốn đổi mới phương thức thi THPT. Hình thức đổi mới của Bộ này không chỉ khiến cho người dạy và người học rơi vào trạng thái choáng váng, theo không kịp chương trình, mà dư luận cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Dẫu biết, đổi mới trong giáo dục rất quan trọng để nâng cao dân trí, đào tạo và phát triển nhân tài, góp phần đưa đất nước đi lên. Tuy nhiên, cách làm của Bộ Giáo dục thời gian qua chưa thật sự hợp lý và chưa đáp ứng lòng mong mỏi của học sinh, giáo viên và toàn xã hội.

Đổi mới thi cử để làm gì khi mỗi trường đại học, cao đẳng đều có tiêu chí riêng khi tuyển sinh, cách đào tạo riêng, cơ sở vật chất riêng, và cả tỷ lệ có việc làm cũng hoàn toàn khác nhau? Tại sao phải o ép họ, bó hẹp họ trong một kỳ tuyển sinh chung? Cũng như việc, tại sao chúng ta chưa thay sách, chưa đổi mới phương pháp dạy học thật sâu, thật kĩ mà đã đổi mới phương pháp thi cử, tuyển sinh?

749 tỷ đồng là con số lớn lắm, chứ không hề nhỏ. Nó mua được biết bao nhiêu sách, xây được bao nhiêu trường/phòng học cho trẻ em nghèo, xây được bao nhiêu cây cầu để tiếp bước học sinh vùng cao, vùng sâu xa được tìm tới con chữ...; hay nó cũng có thể góp phần cải thiện đời sống của chính đội ngũ cán bộ, viên chức nhà giáo của ngành giáo dục bởi thu nhập của đội ngũ giáo viên được cho là khá thấp.

Xin đừng than, đừng khóc là ngân sách eo hẹp, thiếu nguồn tiền để giải quyết những vấn đề cấp thiết ấy, trong khi hàng trăm tỷ đồng vẫn được mang ra làm thí nghiệm cải cách, đổi mới.  Thực tế, ngân sách đã quá hạn hẹp rồi, không thể oằn mình để “giải cứu” cho sự đổi mới nửa vời của ngành. Liệu rằng, những người liên quan trong công cuộc đổi mới này có dám đứng ra chịu trách nhiệm và đền tiền nếu đổi mới thất bại? 

Để biện minh cho sự cần thiết của đổi mới, có người nói: “Đầu tư cho giáo dục thì đừng hà tiện!”. Nhưng xin được phép thưa ngay là thà hà tiện mà hiệu quả còn hơn hoang phí vô ích. Bấy lâu nay toàn đổi mới, cải cách theo  kiểu “bình mới rượu cũ” và  kết quả như thế nào thì ai cũng thấy.

Đành rằng, giáo dục đào tạo luôn đòi hỏi phải có sự học hỏi, đổi mới và sáng tạo để khỏi tụt hậu. Và chúng ta cũng không thể đòi hỏi mọi sự đổi mới đều đem lại thành công. Nhưng nhìn vào những gì cỗ máy giáo dục nước nhà đã và đang làm, thì thật khó để chúng ta kiên nhẫn chờ đợi thêm, hay chấp nhận bất cứ thử nghiệm nào khác nữa.

Làm giáo dục, đào tạo cũng giống như xây một ngôi nhà, cái móng không chắc và những viên gạch không tốt thì người thợ xây tài giỏi hay kết cấu thế nào thì vẫn là một ngôi nhà chất lượng không đảm bảo.

Không biết nền giáo dục sẽ đi về đâu trong một chiến lược chẳng mấy cụ thể, rõ ràng và thay đổi liên tục thế này? Những người trong cuộc là giáo viên, học sinh và nhân dân không hoang mang, không lo lắng sao được khi hiệu quả, chất lượng của các phương thức đổi mới này luôn có một dấu chấm hỏi lớn ở phía trước, còn chưa có lời đáp rõ ràng?

Đổi mới thi cử, học sinh Việt Nam quả quả là giỏi đến mức phi thường khi có thể học một kiểu và thi một kiểu. Có lẽ nền giáo dục thế giới cũng phải ngả mũ thán phục giáo dục Việt Nam?!

Cảm ơn vì quyết định thu hồi đề án của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ!

Sông Hàn