Bao giờ Việt Nam có thành phố thông minh?

Trương Khắc Trà 27/05/2018 05:30

Các thành phố của Việt Nam còn khoảng cách khá xa trước khi đạt đến trạng thái “thông minh”.

Gần đây ở nước ta bắt đầu xuất hiện khái niệm xây dựng thành phố thông minh (smart city). Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM là những thành phố có tham vọng trở thành thành phố thông minh. Tuy nhiên, để được công nhận là thành phố thông minh, theo các chuyên gia đến từ Hà Lan, ít nhất phải đạt được 5 yếu tố.

Sử dụng năng lượng thông minh: Năng lượng thông minh được hiểu là loại năng lượng ít gây tác hại đến môi trường. Các loại năng lượng hiện tại như điện sức nước (thủy điện), nhiệt điện, điện nguyên tử, nhiêu liệu hóa thạch không được coi là “thông minh”.

Năng lượng thông minh là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, yêu cầu khắt khe về công nghệ khai thác, nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiết kiệm đến mức tối thiểu và hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Giao thông thông minh: Hệ thống Giao thông Thông minh (lntelligent Transport System - ITS) được hiểu là ứng dụng kỹ thuật công nghệ, bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải.

Ở nước ta tiêu chí đầu tiên của giao thông thông minh là chấm dứt tình trạng tắc nghẽn, nỗ lực tích hợp nhiều loại hình giao thông công cộng tân tiến, như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, cả đi bộ và xe đạp.

Một thành phố có giao thông thông minh là nơi đáp ứng mọi nhu cầu đi lại của người dân bằng tất cả các phương tiện hoặc sự kết hợp giữa các loại hình phương tiện, cho phép người dân chọn lựa loại hình giao thông phù hợp với từng mục đích.

Thành phố thông minh đang trở thành xu hướng phát triển đô thị (Ảnh: internet)

Thành phố thông minh đang trở thành xu hướng phát triển đô thị (Ảnh: internet)

Chính phủ thông minh: Chính phủ thông minh trước hết dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, hay nói cách khác đó là “Chính phủ internet”. Người dân không phải đến công sở để thực hiện các dịch vụ hành chính, tất cả được thực hiện qua giao dịch điện tử. Rộng hơn, đó là chính quyền thân thiện với người dân, giảm tối đa hạch sách, nhũng nhiễu, bôi trơn, chi phí không chính thức.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất hơn 4 tỷ USD xây thành phố thông minh gần cầu Nhật Tân

    Đề xuất hơn 4 tỷ USD xây thành phố thông minh gần cầu Nhật Tân

    16:19, 03/05/2018

  • Thành phố thông minh từ góc nhìn FDI

    19:55, 27/04/2018

  • Những “siêu dự án” sẽ khởi công năm 2018: Kỳ 2 - Siêu thành phố thông minh Nhật Tân

    06:34, 01/03/2018

  • Thành phố thông minh bằng… đi bộ!

    10:59, 14/01/2018

  • Hà Nội đẩy mạnh chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh

    11:23, 04/12/2017

  • Bình Dương phát triển nền kinh tế tri thức cho Thành phố Thông minh

    12:16, 29/11/2017

  • Hoàn thành Giai đoạn 1 xây dựng thành phố thông minh tại Phú Quốc

    22:00, 27/10/2017

Về phương diện chính phủ điện tử, Singapore đang là hình mẫu cần học hỏi với hệ thống dịch vụ hồ sơ điện tử (IRAS), passport điện tử (MHA) và tín dụng điện tử (NLB).

Chương trình Quốc gia thông minh của Singgapore do một vị bộ trưởng điều hành và văn phòng điều hành chương trình nằm chung với văn phòng Thủ tướng. Văn phòng này gồm hai bộ phận chính gồm di động thông minh (Smart Mobility) lấy MyTransport App làm công cụ điều hành hệ thống giao thông, và cuộc sống thông minh (Smart Living).

Được xây dựng dựa trên bộ khung đô thị thông minh (Smart HDB Town Framework) gồm bốn nội dung: quy hoạch thông minh (Smart Planning), môi trường thông minh (Smart Environment), kiến trúc thông minh (Smart Estate), và nơi ở thông minh (Smart Living).

Việt Nam chỉ mới nỗ lực số hóa dữ liệu và bước đầu cung cấp một số dịch vụ qua internet, nhưng quá trình chuyển đổi còn chậm, mức độ tiếp cận của người dân còn hạn chế.

Giáo dục thông minh: Giáo dục thông minh là một khái niệm khá trừu tượng, nhưng có thể lượng hóa bằng các đặc điểm như: Có nền giáo dục tương tác tốt với đời sống, không tạo ra quá nhiều người thất nghiệp.

Nền giáo dục thông minh là giáo dục không áp đặt, giáo dục phi lợi nhuận hương đến cộng đồng, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể tham gia vào hệ thống giáo dục thông minh.

Ví dụ hệ thống giáo dục thông minh của Nhật Bản (Smart Education của NTT East) đưa ra 5 giải pháp: Hệ thống và nội dung cho lớp học; Hệ thống và sản phẩm quản lý trường học; Hệ thống và các nội dung tự học; Công cụ CNTT giáo dục hiện đại - các chương trình lập trình ứng dụng; Hệ thống nhân viên hỗ trợ.

Chăm sóc sức khỏe thông minh: Chăm sóc sức khỏe thông minh cũng dựa trên nền tảng tiến bộ của công nghệ phần mềm, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI). Ví dụ ở Nhật Bản nở rộ dịch vụ robot chăm sóc người già.

Được biết hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh tự động cập nhật tình trạng sức khỏe của người bệnh đến bác sĩ giúp giảm thiểu thời gian xử lý dữ liệu bệnh án và hỗ trợ tối đa trong những trường hợp khẩn cấp.

Chiếc đồng hồ đeo tay hoặc chiếc áo thông minh có thể là trợ lý sức khỏe đắc lực. Với việc theo dõi nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ da, cho đến tư thế vận động, nó có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người mặc.

Nước ta có nhiều dự án xây dựng thành phố thông minh như Bình Dương, Nhật Tân (Hà Nội) Phú Quốc (Kiên Giang). Nhìn vào tiêu chí nhiều thành phố thông minh trên thế giới đã trải nghiệm, nhiều dự án của ta còn khoảng cách rất xa trước khi đạt đến trạng thái “thông minh”.

Vấn đề nhức đầu của hai thành phố lớn nhất nước là tắc nghẽn giao thông và quy hoạch bất hợp lý, việc sử dụng năng lượng thông minh không thể dựa vào cách khai thác năng lượng truyền thống. Kể cả dịch vụ y tế, giáo dục còn nhiều bất cập cần giải quyết trước khi nghĩ đến “thông minh”.

Trương Khắc Trà