Chỉ số ICOR và giá trị truyền thống

Trương Khắc Trà 29/05/2018 05:34

Giá trị truyền thống và chỉ số ICOR không có phần nào giao thoa, mức độ sử dụng nguồn vốn cho thấy cổ phần hóa là hoàn toàn đúng đắn để chấm dứt tình trạng lãng phí công sản, gánh nặng lên người dân.

Điện ảnh Việt Nam không thiếu những bộ phim về chủ đề bối cảnh đất nước những năm đầu đổi mới, đa phần trong đó là sự xung đột giữa hai kiểu tư duy “thụ động” và “đổi mới”.

Tại phiên thảo luận về tình hình quản lý vốn nhà nước và cổ phần hóa sáng ngày 28/5, Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhắc đến một thuật ngữ rất quan trọng trong Kinh tế học. Và đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy mặt trái của bao cấp, điển hình là các doanh nghiệp nhà nước.

Đó là “hiệu quả sử dụng vốn” hay là “hệ số đầu tư tăng trưởng”, tức là chỉ số ICOR (Incremental Capital - Output Ratio). Chủ tịch Vũ Tiến Lộc dẫn ra con số, năm 2016 để kiếm được 1 đồng lãi doanh nghiệp nhà nước bỏ ra 10 đồng, trong khi đó kinh tế tư nhân chỉ bỏ ra 6 đồng, hay khu vực FDI chỉ bỏ ra 5 đồng.

Như dư luận từng đặt câu hỏi, vì sao nhiều doanh nghiệp nhà nước được ưu ái, bao bọc,  là “con cưng” nhưng hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp nhất trong các thành phần kinh tế? Vướng mắc là do cơ chế hay con người?

Dù muốn hay không phải thừa nhận rằng, mô hình quản trị doanh nghiệp theo kiểu bao cấp đã lỗi thời trong thời buổi kinh tế thị trường phả hơi nóng vào mọi ngõ ngách. Nói một cách dễ hiểu, một thời gian dài nguồn vốn nhà nước rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc” cuối cùng là “huề cả làng” hoặc bị xử lý rất đau lòng.

Vì vậy chủ trương thoái vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp hoàn toàn hợp lý, đúng với xu thế vận hành của bộ máy nhà nước hiện đại mà nhiều quốc gia đang áp dụng.

Tức là, nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, sẽ lĩnh xướng những ngành hoặc lĩnh vực có độ rủi ro cao, chu trình xoay vòng vốn chậm như năng lượng, hạ tầng giao thông, khai thác khoáng sản… tiến đến một nhà nước chỉ mỗi mục đích điều chỉnh các mối quan hệ xã hội bằng Luật, cung cấp dịch vụ và phúc lợi cho người dân.

Tuy nhiên, cổ phần hóa ở Việt Nam đang mắc phải những vấn đề buộc phải tháo gỡ càng sớm càng tốt. Đó là tiến trình cổ phần hóa còn chậm, hình thức, tư duy cổ phần hóa chưa theo kịp sự vận động của kinh tế thị trường, lợi ích người lao động sau cổ phần hóa.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 28/5 (Ảnh: VGP)

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 28/5 (Ảnh: VGP)

Có thể bạn quan tâm

  • Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội Dự Luật về Cổ phần hóa DNNN

    13:43, 28/05/2018

  • Thực hiện giám sát tối cao về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

    06:30, 28/05/2018

  • Ba dạng làm thất thoát tài sản nhà nước

    11:59, 28/05/2018

  • Cần rà soát và xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả

    10:57, 28/05/2018

Và một vấn đề không kém phần quan trọng là sử dụng đồng vốn sau khi cổ phần hóa như thế nào để đảm bảo tài sản không bị thất thoát, người dân cảm thấy mình được hưởng lợi từ hàng ngàn hàng vạn tỷ đồng thu về. Vì đó là tài sản toàn dân, do người dân nộp thuế để xây dựng nên.

Những câu chuyện lùm xùm quanh hãng phim truyện Việt Nam và vụ Mobifone mua AVG (Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu) cách đây chưa lâu cho thấy hình như có bóng dáng của “lợi ích nhóm” khi cổ phần hóa.

Dư luận xã hội nghi ngờ “đất vàng” bị bán rẻ mạt, hay là động thái “rửa tiền” té nước theo mưa? Hay sự chênh lệch giá cả trong thương vụ của Mobifone cho thấy công tác quản lý vốn nhà nước chưa thật sự chặt chẽ.

Một luồng ý kiến khóc than cho cái gọi là truyền thống, yêu cầu giữ lại cốt cách của doanh nghiệp sau khi bán cho tư nhân, ví dụ như hình ảnh Hãng phim truyện đã đi vào lòng công chúng hay thương hiệu bia Sài Gòn có lịch sử lâu đời. Đây là vấn đề mà nhà nước phải lưu tâm.

Phải xác định nhà đầu tư chiến lược như nhiều đại biểu đề cập. Với những doanh nghiệp đậm đà bản sắc như hãng phim, nếu không muốn làm đau lòng công chúng và nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi thì không nên mang hơi thở kinh tế vào văn hóa, nghệ thuật.

Một lớp người chuyên làm nghệ thuật đương nhiên ít muốn dính líu đến mùi tanh của đồng tiền. Đến bây giờ câu hỏi nhà đầu tư vào hãng phim vì yêu nghệ thuật hay vì sức hấp dẫn của “đất vàng” chưa ai biết.

Cổ phần hóa là phải xác định rạch ròi giữa tình cảm và kinh tế thị trường. Chấp nhận thương đau để có lợi ích kinh tế hoặc bỏ lợi ích kinh tế để giữ giá trị truyền thống. Đương nhiên, nếu hãng phim không còn hiệu quả thì chúng ta cũng phải quen dần với tư duy kinh tế thị trường.

Rất khó nói người ta muốn làm chậm tiến trình cổ phần hóa vì mục đích gì, có phải lo ngại làn sóng tư nhân hóa sẽ khiến lớp những người quản trị cũ thất sủng hay vì một lý do nào khác.

Kinh tế thị trường đòi hỏi định lượng rõ ràng, như: Trị giá của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là bao nhiêu, phương pháp định giá theo “sổ sách” hay theo giá cả thị trường. Có hay không trường hợp định giá theo “sổ sách” nhưng bán theo giá thị trường!?

Giữa giá trị truyền thống và chỉ số ICOR không có phần nào giao thoa, mức độ sử dụng nguồn vốn cho thấy cổ phần hóa là hoàn toàn đúng đắn để chấm dứt tình trạng lãng phí công sản, gánh nặng lên người dân.

Trương Khắc Trà