Ngành sư phạm: Cung vượt cầu và "mất phanh" giá trị

Trương Khắc Trà 02/06/2018 05:30

Chọn lựa là kỹ năng quan trọng hơn cả kiến thức sách vở trong môi trường giáo dục thiếu hẳn một định hướng đến từng người học.

Cách đây chưa lâu hãng tin hàng đầu nước Mỹ, Bloomberg đăng bài viết về tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ có trình độ ở Việt Nam. Bài báo mào đầu bằng câu chuyện của một cử nhân kinh tế tốt nghiệp từ ngôi trường tốt nhất nước, mỗi tháng kiếm 5 triệu đồng bằng… nghề xe ôm ở Hà Nội!

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, một người thầy tâm sự đắng chát với tôi rằng “nghề giáo giờ bạc lắm em ơi, thiên hạ xì xầm, lương không đủ sống, người muốn kiếm việc làm thì nhiều”.

Thầy kể, trường thầy năm nào cũng đón nhận hơn chục sinh viên thực tập, nhiều bạn trẻ giỏi giang, có ngoại hình, tha thiết ở lại nhưng trường không có nhu cầu. Nhiều năm sau tình cờ gặp lại những tân cử nhân sáng sủa ngày nào giờ làm marketing, mở shop áo quần, shipper, bán trà sữa..., hầu hết đã từ bỏ giấc mơ “gõ đầu trẻ”.

Tôi không gọi đó là một sự lãng phí vì bản chất việc học không phải để làm quan. Nhiều bạn trẻ lạc lối như hôm nay chẳng phải do họ đã chọn cho mình con đường không đúng đó sao?

Chọn lựa là kỹ năng quan trọng hơn cả kiến thức sách vở trong môi trường giáo dục thiếu hẳn một định hướng đến từng người học. Một thời gian dài như thế, cứ mỗi mùa tuyển sinh người ta lại sốt sắng tư vấn đến từng trường phổ thông, nhiều hứa hẹn nhưng không thấy ai đảm bảo một tương lai xán lạn sau đó mấy năm.

“Tín dụng sư phạm” như một giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trình Quốc hội chờ các đại biểu bấm nút, nếu được thông qua sinh viên sư phạm không còn được bao cấp học phí.

Thất nghiệp trở thành nỗi ám ảnh với sinh viên sư phạm (Ảnh: Internet)

Thất nghiệp trở thành nỗi ám ảnh với sinh viên sư phạm (Ảnh: Internet)

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đổi học phí thành “giá dịch vụ đào tạo”

    Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đổi học phí thành “giá dịch vụ đào tạo”

    13:39, 30/05/2018

  • Tự chủ giáo dục: Phải đảm bảo “kiềng 3 chân”

    Tự chủ giáo dục: Phải đảm bảo “kiềng 3 chân”

    11:52, 29/05/2018

  • Chất lượng giáo dục mầm non: Không thể lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu

    Chất lượng giáo dục mầm non: Không thể lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu

    10:20, 29/05/2018

  • Gỡ bỏ mọi “rào cản” để phát triển giáo dục mở

    Gỡ bỏ mọi “rào cản” để phát triển giáo dục mở

    18:40, 16/05/2018

  • Đầu tư giáo dục khó vì đâu?

    Đầu tư giáo dục khó vì đâu?

    15:45, 16/05/2018

Nếu công tác đủ thời gian quy định trong ngành coi như miễn trừ trách nhiệm hoàn trả. Liệu điểm mới này có đủ sức cứu vãn ngành sư phạm và giá trị người thầy đang tụt dốc không phanh?

Sinh viên sư phạm thất nghiệp hiện có 170 đến 200 ngàn người, tỷ lệ áp đảo nếu tính cả hàng chục ngành học, chưa ai thống kê xem thử có bao nhiêu ngàn sinh viên vì hoàn cảnh khó khăn mới chọn ngành sư phạm, bao nhiêu vì truyền thống gia đình, vì đam mê và cả cùng đường.

Điều đó cho thấy quan điểm coi ngành sư phạm thừa nhân lực do chính sách miễn học phí chưa thật sự thuyết phục. Câu chuyện ở đây vẫn là tính định hướng bị bỏ ngỏ quá lâu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không quyết đoán đặt dấu chấm hết cho những trường sư phạm địa phương, hàng chục trường như thế tạo ra 2/3 số lượng thất nghiệp trong ngành sư phạm.

Người ta bàn đến những đề án ngàn tỷ, những chặng đường đổi mới giáo dục, nhiều năm qua chỉ dừng lại ở thi cử, dạy thế nào, học ra sao, mà những con số thất nghiệp cứ đến kỳ thống kê lại giật mình.

Rất may Thủ tướng vừa chỉ đạo dạy khởi nghiệp trong nhà trường, hướng đi mà đáng lẽ cơ quan chủ quản giáo dục phải thức thời cách đây hơn chục năm – thời gian trỗi dậy mạnh mẽ của dịch vụ giáo dục từ khu vực tư nhân.

Cung vượt cầu quá xa nên giá trị lẫn giá trị sử dụng chạm đáy. Những người tâm huyết với nghề sẽ rất đau lòng khi chứng kiến nhiều sự việc “phi giáo dục” trong ngành giáo dục.

Để trở thành thầy cô giáo, không ít người phải “mua” bằng tiền, để cạnh tranh với lớp trẻ nhiều người mạo danh bằng cấp, để “dạy” học trò nhiều người không còn đủ tỉnh táo sử dụng kiến thức được học.

Ngành sư phạm “khát” đến mức hạ điểm sàn mỗi môn còn 3 điểm, người ta đặt câu hỏi “giáo viên 9 điểm 3 môn sẽ dạy ai?”. Tại sao chỉ thấy được phải cứu một khoa/trường sư phạm cùng lắm mấy mươi con người mà hắt cả chậu nước bẩn xuống giếng?

Học sinh giỏi không muốn làm thầy vì nhiều nhẽ, trong đó có lương thấp, khó thăng tiến; quán quân “Đường lên đỉnh Olimpia lại càng không”.

Bài toán cần giải của ngành giáo dục không còn là “chất lượng”. Làm sao để “tiêu thụ” hết hàng trăm nghìn người đang ôm bằng chờ việc mới thật sự cấp bách và sau đó là khai phóng tư duy “học để làm NGƯỜI”.

Cuộc bể dâu thất nghiệp là cú đánh trở lại từ thị trường lao động, xót những tấm bằng còn thơm mùi mực, thương những ước mơ đành cất trong ngăn kéo, nhưng đó là kết quả của hàng trăm ngàn chọn lựa sai lầm.

Giáo dục phải được coi là một loại dịch vụ chứ không phải chính sách an sinh, người sử dụng dịch vụ phải biết chọn lựa cái gì phù hợp với mình để khỏi “tiền mất tật mang”.

Trương Khắc Trà