Bản quyền World Cup và sức mạnh cộng đồng
Nguồn lực xã hội hóa nếu biết phát huy sẽ là động lực rất lớn không chỉ trong thể thao. Vingroup, Viettel sẵn lòng vì cộng đồng thì không có lý do gì một đài quốc gia băn khoăn chuyện lỗ lãi.
Mấy mươi triệu tín đồ bóng đá đã thờ phào nhẹ nhõm sau khi VTV và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vừa chốt hợp đồng muộn nhất về bản quyền phát sóng 64 trận đấu World Cup sẽ diễn ra vài ngay tới ở Xứ sở Bạch dương.
Cách đây vài ngày, có người hỏi sẽ thế nào nếu WC không thể phát sóng tại Việt Nam? Tôi thì nghĩ, VTV không thể ngồi yên, còn người hâm mộ được phen thẳng tay “ném đá”.
Không có bóng đá chưa hẳn là điều gì đó quá nghiêm trọng, nhưng thử tưởng tượng hàng tỷ người trên thế giới rộn ràng trước màn hình tivi phát ra thứ âm thanh quyến rũ – nơi không chỉ là bóng đá mà còn là văn hóa, đời sống tinh thần mang tính phổ quát 4 năm chỉ có một lần.
Những lo lắng ấy tạm thời được giải quyết, nhưng cơn hậm hực trong lòng người hâm mộ chưa chắc nguôi. VTV ứng xử với bản quyền WC như chiều mua hoa chiều 30 tết? Cho đến ngày 7/6 hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã có bản quyền, chỉ Việt Nam là chưa!
Để mang không khí bóng đá đến từng ngôi nhà, Viettel, Vingroup đã chung tay với VTV. Đây không chỉ là chuyện tiền nong mà đó là cách thức để huy động nguồn lực tư nhân để phục vụ cộng đồng.
Tràng pháo tay giành cho những nhà tài trợ nhưng để lại dấu hỏi không nhỏ cho một đài truyền hình quốc gia phủ sóng rộng khắp năm châu. Tôn chỉ kinh doanh hay phục vụ cộng đồng mới là mục đích của một kênh truyền hình đại diện cho tiếng nói gần 100 triệu dân?
Ở Việt Nam không hiếm những ông chủ giàu có đổ hàng tấn tiền vào bóng đá, đó là những bầu Đức, bầu Long, bầu Thắng, bầu Hiển, bầu Kiên mà nếu VTV nhanh nhẹn hơn không khó để thu hút 300 tỷ đồng.
Nguồn lực xã hội hóa nếu biết tận dụng và phát huy sẽ có động lực rất lớn không chỉ trong lĩnh vực thể thao. Câu chuyện cổ tích của U23 Việt Nam hồi đầu năm nay được viết lên từ xã hội hóa, điều này không thể chối cãi!
Có thể bạn quan tâm
|
Câu chuyện bản quyền cũng không khác, mấy trăm tỷ với một nhà đài mang hình ảnh quốc gia thật sự không lớn bằng mong mỏi của hàng chục triệu dân muốn được ăn món ăn tinh thần bổ dưỡng.
Nhận được đề nghị của VTV, Tập đoàn Vingroup nhanh chóng gật đầu chi 5 triệu USD mang WC từ nước Nga xa xôi đến mọi thôn làng ở Việt Nam, nói như Tổng giám đốc tập đoàn này “là việc hoàn toàn xứng đáng và nên làm”.
Lý do để VTV còn kéo thương vụ đến “phiên chợ chiều” là sợ lỗ nếu đầu tư mấy triệu đô cho người dân xem bóng đá. Tính chuyện lỗ lãi một lần nữa phải lấy ví dụ từ thành công của U23. Chứng kiến không khí của những ngày lịch sử rợp trời cờ đỏ sao vàng, người người xích lại gần nhau, mọi hiềm khích dường như được san lấp.
Giá trị bóng đá mang lại nhiều lúc không thể tính bằng tiền, WC có thể không mang tinh thần dân tộc nhưng cũng ít ra mang lại cho người dân giây phút thư giãn, làm vơi vai những áp lực từ các vấn đề xã hội đang nhức nhối, 300 tỷ đồng trong két sắt khó làm được điều đó!
Cách mà một số kênh truyền hình địa phương mang đến đời sống tinh thần phong phú cho người dân không gì khác ngoài huy động nguồn lực từ xã hội hóa. Chứng kiến sự nở rộ của sân chơi giải trí thời gian qua chính là sự đóng góp của nguồn lực đó.
Thuật ngữ “xã hội hóa” không có gì mới mẻ, người ta có thể xã hội hóa để bắn pháo hoa, xây tượng đài, làm công viên thì với sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới có một lần càng xứng đáng.
Giá như VTV có đầy đủ quyết tâm và có cái nhìn khác về bóng đá thì chắc chắn bản quyền không phải là chuyện lớn. Những Vingroup, Viettel... sẵn lòng vì cộng đồng thì không có lý do gì một đài quốc gia lăn tăn chuyện lỗ lãi.
Được thưởng thức không khí ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh người hâm mộ phải cảm ơn Vingroup, Viettel, cũng từ đó cho thấy kinh tế tư nhân dư sức trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.