Từ World Cup đến bài học trị “lợi ích nhóm”

Trương Khắc Trà 15/06/2018 13:30

Họ không chấp nhận một con người “hai mang” trong một chức vụ mặc cho đội tuyển Tây Ban Nha có thể rơi vào khủng hoảng.

Chuyện bắt đầu bằng cách so sánh “con nhà người ta”, không ít người trẻ lớn lên bị áp lực bởi hệ quy chiếu này. Trên diện rộng loại so sánh có tính chất hoài nghi cảm tính này xuất hiện rất nhiều trong đời sống hàng ngày.

Ví dụ, câu chuyện BOT và chất lượng công trình công cộng cũng được đem ra so sánh với một đất nước nào đó, rồi chuyện tham nhũng, đội vốn lại bị tham chiếu bởi “khung Châu Âu”.

Điều đó hẳn nhiên có lợi hơn là hại, nhưng ít nhất phải đảm bảo mấy điều kiện (1) có bằng chứng xác đáng, khoa học; (2) phải có trải nghiệm thực tế chứ không phải dạng thôn tin “nghe đồn”.

Một cộng đồng lành mạnh là nơi thường xuyên thấy thái độ cương quyết với mầm mống tiêu cực. Đó là nguyên nhân để những quốc gia văn minh luôn bị lấy làm hệ giá trị so sánh.

Với World Cup, ngoài bóng đá còn có gì? Dĩ nhiên là nhiều thứ khó liệt kê hết, có người xem World Cup thú vị vì các siêu sao bóng đá, một số ít người xem đó ngày hội tinh thần, cũng có người chiêm ngưỡng để học hỏi cách thức tổ chức, quản trị và cả những bài học về dụng nhân.

Người Tây Ban Nha đã cho thấy vì sao họ là quốc gia văn minh. Chỉ hai ngày trước khi World Cup khởi tranh, Liên đoàn bóng đá nước này sa thải Huấn luyện viên trưởng Lopetegui vì ông này ký hợp đồng dẫn dắt một câu lạc bộ khác khi World Cup mới chưa kết thúc.

Thấy gì khi Tây Ban Nha sa thải Huấn luyện viên ngay trước thềm World Cup?

Thấy gì khi Tây Ban Nha sa thải Huấn luyện viên ngay trước thềm World Cup?

Một sai lầm không quá lớn và có lẽ nhiều đầu óc “vì đại cục” có thể lờ đi, vì một tập thể không thể thiếu người đứng đầu trong lúc nước sôi lửa bỏng. Điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến tham vọng ngôi vương của bóng đá Tây Ban Nha.

Mấu chốt ở chỗ tuyển Tây Ban Nha chủ yếu xuất phát từ hai câu lạc bộ Real và Barcelona, nếu Lopetegui sẽ dẫn dắt Real mùa tới tức là nguy cơ xảy ra tiêu cực với nhóm cầu thủ không thi đấu cho Real là rất cao. Chắc gì ông này không ưu ái cho các học trò tương lai của mình?

Có thể bạn quan tâm

  • World Cup: Trái bóng tròn và đôla xanh

    05:38, 14/06/2018

  • Bản quyền World Cup và sức mạnh cộng đồng

    12:00, 09/06/2018

Họ không chấp nhận một con người “hai mang” trong một chức vụ. Mặc cho đội tuyển Tây Ban Nha có thể rơi vào khủng hoảng nhưng giới chóp bu bóng đá đã thượng tôn tính minh bạch, cái mà nước ta gọi là “lợi ích nhóm”.

Mẫu hình ngăn chặn “lợi ích nhóm” quá xứng đáng để làm gương cho nhiều thứ khác. Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện đi đến kết cục xấu cũng thoạt đầu như thế.

Không ít người có chức quyền trong bộ máy có “tay trái, tay phải”, lấy quyền hành nơi này để dùng vào chổ khác.

Cuộc khủng hoảng nước mắm truyền thống hồi năm 2016 cho thấy rõ điều đó. Không biết từ đâu mà Hội bảo vệ người tiêu dùng (Vinatas) công bố kết luận nước mắm truyền thống nhiễm asen!

Kéo theo cuộc khủng hoảng truyền thông quy mô lớn, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, làm xiêu vẹo niềm tin của người tiêu dùng; làm chao đảo mâm cơm từng gia đình. Rất may sự thể được minh oan sau đó.

Dư luận lúc đó đặt ra một loạt các nghi vấn: Vinastas làm như vậy để làm gì? bên nào đứng đằng sau giật dây sự kiện này? Ai được hưởng lợi khi nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng, bị tẩy chay, bị “bóp chết”? Liệu có bàn tay “bẩn” của doanh nghiệp trong ngành nhúng vào?...

Một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị Thanh tra Chính phủ cáo buộc lợi dụng quyền hạn để vun vén lợi ích cho doanh nghiệp của người thân. Dự thảo luật phòng chống tham nhũng chỉ ra sự “móc ngoặc công – tư”, hiện tượng “sân sau”, “chủ nghĩa thân hữu”.

Hay gần hơn là những xung đột chức vụ ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam, giữa một bên là ý chí khu vực tư và một bên là cách điều hành của những người trong biên chế. Ở đó quyền lợi “công tư” chưa thể phân định và nguy cơ xung đột lợi ích ngay trước mắt.

Ý nghĩa vấn đề mà người Tây Ban Nha sa thải Huấn luyện viên ngay trước thềm World Cup không chỉ là câu chuyện bóng đá. Mà đó là cách người ta xử lý các nguy cơ khủng hoảng lợi ích, nguy hại tiềm tàng có thể đến với cả nền bóng đá, xa hơn là cả một thiết chế điều hành xã hội.

Những người “nhạy cảm” ắt hẳn rút ra được nhiều điều, “sa thải”, “cách chức” hay “kỷ luật” khi nước chưa đến chân được coi là biện pháp mạnh “phòng” hơn “chống”.

Trương Khắc Trà