“Lỗ hổng” giá trị thương hiệu
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua gặp phải những vấn đề hóc búa.
Trong đó làm sao định đúng giá trị thương hiệu để tránh thất thoát là một trong những vướng mắc chưa được hóa giải.
Nghị định 32/2018/NĐ-CP bổ sung khá nhiều vấn đề tại điều 29, Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp Nhà nước (thoái vốn). Quy định mới nêu rõ các nguyên tắc và thẩm quyền quyết định thoái vốn Nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Mặc dù Nghị định 32/2018 đã lưu ý đến các yếu tố “văn hóa”, “lịch sử” của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đề cập chi tiết đến một loại giá trị tiềm tàng rất lớn của doanh nghiệp đó là giá trị thương hiệu. Giá trị của thương hiệu là khái niệm khá trừu tượng, thông thường được tính dựa trên kết nối giữa sức mạnh tài chính, vị thế kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp.
Đẳng cấp của giá trị thương hiệu phụ thuộc rất nhiều vào cách vận hành kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên riêng phần tên của doanh nghiệp cũng có một giá trị vô cùng lớn.
Cái tên “Sabeco” mới thật sự giá trị với đối tác chứ không phải là những chai bia hay nhà xưởng. Ảnh: Internet.
Lấy Sabeco làm một ví dụ: Năm 2017, từng được Brand Finance (công ty định giá quốc tế có trụ sở tại nước Anh) xếp hạng tốp 5 thương hiệu lớn nhất Việt Nam - hơn nửa tỷ đô. Giá trị thương hiệu này cũng được tính toán dựa trên cả mô hình kinh doanh và giá trị của tên Sabeco. Công ty này đã được bán xong xuôi 4,8 tỷ USD, nhưng cái tên “Sabeco” mới thật sự giá trị với đối tác chứ không phải là những chai bia hay nhà xưởng.
Có thể bạn quan tâm
Những bước phát triển bền vững của công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam
07:00, 22/07/2017
Vinamilk dẫn đầu Việt Nam về giá trị thương hiệu
14:00, 04/07/2017
Công ty nào có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam?
16:33, 03/07/2017
Cổ phần hóa DNNN ở nước ta một thời gian dài chú trọng định đoạt giá trị của tài sản hữu hình, như doanh số bán hàng, doanh thu hàng năm, quy mô cơ sở vật chất, nhà máy. Còn với giá trị thương hiệu thường được nhắc đến khi sự đã rồi và vẫn chưa trở thành bài học kinh nghiệm. Việc định giá thương hiệu để trở thành tài sản của doanh nghiệp vẫn đang chờ một cơ sở pháp lý thật sự rõ ràng.
Những lùm xùm quanh vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) có thể xem là bài học kinh nghiệm. Với một doanh nghiệp kinh doanh phim ảnh đang gặp khó khăn tài chính, đến cả đối tác “thâu tóm” doanh nghiệp này cũng không phải dạng sung túc thì nhiều nghi vấn đặt ra. Có chăng mảnh đất “vàng” của mà hãng phim đang sở hữu mới là mục tiêu hướng đến, còn giá trị thương hiệu VFS bị gạt ra?
Có nhiều lý do để bác bỏ năng lực của một công ty chuyên về kho vận, sửa chữa tàu thủy có thể tiếp quản và xây dựng hãng phim đi đúng hướng. Mặt khác, một hãng phim ra đời trên 65 năm và vận hành bởi nhiều lớp nghệ sĩ tên tuổi có bề dày truyền thống. VFS cũng là thương hiệu có chổ đứng trong lòng công chúng!
Kỳ họp Quốc hội vừa qua nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại có hay không trong cổ phần hóa DNNN - tình trạng định giá doanh nghiệp thấp hơn giá trị thật để thâu tóm nguồn lực, làm thất thoát tài sản.
Lo lắng ấy là có thật, bởi sau khi lên sàn giá cổ phiếu tăng lên nhiều lần khiến dư luận bàn tán xôn xao. Kiểm toán nhà nước từng kiến nghị điều chỉnh giá trị doanh nghiệp sau khi định giá tăng lên hơn 22 ngàn tỷ đồng!
Khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhiều nơi đã không tính đến giá trị thương hiệu, như từng có ý muốn định giá VFS 0 đồng!?. Từ đó tạo điều kiện không thể tốt hơn để nhiều cá nhân, tổ chức “thâu tóm” được DNNN như một món hời.
Các DNNN khi thoái vốn hoàn có thể áp dụng một trong những phương pháp đó, nhưng trước hết việc tính toán giá trị thương hiệu cần được bổ sung một cơ sở pháp lý chặt chẽ từ Chính phủ và các Bộ, ngành. Trách nhiệm của các cơ quan chủ quản DNNN đóng vai trò rất quan trọng. Không ai khác ngoài họ có thể biết rõ nhất giá trị thật của doanh nghiệp.Vì vậy, cũng rất cần những bộ óc kinh tế, rất cần những cái tâm trong sạch khi nắm quyền sinh sát khối tài sản khổng lồ.
Suy cho cùng việc xác định đúng giá trị doanh nghiệp nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước, cắt cụt vòi “lợi ích nhóm” để chủ trương cổ phần hóa đạt được hiệu quả thiết thực.