Thanh toán "chui" QR và nguy cơ an ninh tiền tệ

Trương Khắc Trà 04/07/2018 14:00

Thanh toán chui qua QR vừa phát hiện tại Đà Nẵng, trực tiếp đặt ra câu hỏi phải làm gì để ngăn chặn thất thoát dòng tiền qua con đường bất hợp pháp?

Trong dòng chảy tài chính việc ngăn chặn nguồn tiền quốc nội “chảy” ra nước ngoài luôn là vấn đề khó. Ngoài các hình thức “rút ruột” tài chính truyền thống như cờ bạc online trên các website đặt ở nước ngoài, hoạt động rửa tiền thì mới đây xuất hiện hình thức thanh toán QR qua công cụ Alipay của Alibaba.

Thanh toán chui qua QR vừa phát hiện tại Đà Nẵng, trực tiếp đặt ra câu hỏi phải làm gì để ngăn chặn thất thoát dòng tiền qua con đường bất hợp pháp?

Nhất là khi cơn bùng nổ thiết bị di động kéo theo các phương thức thanh toán “ảo” tràn lan. QR Code sẽ được kết hợp với thanh toán điện tử thay vì chỉ dùng để quét ra thông tin về website, số điện thoại, địa chỉ. Người tiêu dùng có thể mua hàng trên website, shopping tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích,… mà không cần dùng tiền mặt, thẻ ATM hay thẻ Visa, MasterCard.

Sẽ không có chuyện gì nếu như Alipay hay Wechat đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam, tức là dù có thanh toán bằng QR thì tiền vẫn không ra khỏi lãnh thổ. Người kinh doanh được thanh toán bằng QR mặc dù không mất gì nhưng xét ở góc độ an ninh tiền tệ là sự thiệt hại cho nền kinh tế.

Thanh toán "chui" qua QR là khả năng làm mất an ninh tiền tệ

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh toán điện tử mang đến lợi ích ròng cho nền kinh tế

    08:13, 20/11/2017

  • Khi nào thương mại điện tử Việt Nam hết "đốt" tiền?

    05:07, 23/05/2018

  • Thách thức của thị trường thương mại điện tử

    04:19, 19/05/2018

  • Giải "bài toán" quản lý thương mại điện tử thời 4.0

    05:30, 04/05/2018

  • Bản đồ thương mại điện tử sẽ được vẽ lại?

    11:00, 24/04/2018

Thiệt hại trước mắt là làm khan hiếm dòng tiền. Ví dụ, du khách Trung Quốc thanh toán 1 USD qua Alipay, thay vì 1USD đó sẽ ở lại Việt Nam và các ngân hàng sẽ thanh toán lại cho người bán thì số tiền đó được chuyển về Trung Quốc.

Thiệt hại ở chỗ, Việt Nam không được sử dụng 1 USD đó trong thời gian chờ thanh toán lại cho người bán. Thực tế không chỉ là 1 USD mà con số hàng ngàn hàng triệu đô bị “tước quyền sử dụng” mặc dù hoạt động thương mại diễn ra ngay trên đất nước chúng ta.

Thiệt hại không chỉ là tiền mà còn vô vàn vấn đề khác như an ninh, trật tự, mỗi giây mỗi phút người ngoại quốc có mặt trên lãnh thổ Việt Nam thì có hàng chục cơ quan căng mình quản lý nhưng lợi lộc teo tóp dần.

Việc thiếu hụt dòng tiền cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến lạm phát, hoặc phải mất công huy động trở lại bằng các hình thức FDI hay vay ODA. Trường hợp không thể huy động trở lại mà phải in thêm tiền thì có nguy cơ lạm phát.

Theo con số thống kê, mỗi năm có 33 tỷ đô ở Việt Nam, tương đương khoảng 16% GDP bị chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài, ngoài tham nhũng, rửa tiền, buôn lậu thì xuất hiện thêm nguyên nhân thanh toán điện tử.

Thanh toán điện tử chính là xu thế 4.0, nó rất cần thái độ thân thiện của cơ quan chức năng. Bản chất của Alipay hay Wechat không xấu mà chỉ là do chúng ta chưa bắt kịp sự phát triển của công nghệ, giống như mâu thuẫn giữa “taxi công nghệ” và “xe ôm truyền thống”.

Vì vậy không thể nói không với thanh toán điện tử, cách duy nhất là chấp nhận nó như một xu thế của thời đại. Năm 2017, Alipay đã ký kết chiến lược với công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Câu chuyện pháp lý thời 4.0 qua bài học với Grab cho thấy chúng ta chưa thật sự chủ động đón nhận, có ý kiến còn chua xót rằng, thế giới bước vào 4.0 nhưng Việt Nam mới ở giai đoạn 2.0!

Thiết nghĩ, khung pháp lý đón đầu xu hướng 4.0 là cái bức bách nhất lúc này.

Trương Khắc Trà