Nền nông nghiệp khốn đốn vì “chai, lọ”
Mười bốn tấn Sầu Riêng ở Đồng Nai có dấu hiệu ngâm hóa chất, nếu thông tin này chính xác là cú đánh chí mạng vào lòng tin người tiêu dùng.
Việt Nam bán nông sản cho Trung Quốc còn nước này bán thuốc trừ sâu cho Việt Nam, tưởng chừng đôi bên cùng có lợi. Nhưng nông sản Việt vì dư lượng thuốc nên phần lớn bán cho Trung Quốc, mà Trung Quốc thích thì mua không thích thì “đóng cửa”.
Vì dư lượng thuốc quá cao nên thị trường đẳng cấp cao luôn là nỗi thèm khát với người Việt. Tóm lại của quá trình này Việt Nam là nước thiệt hại.
Những người nông dân, có lẽ họ ít biết để mỗi trái vải do chính họ trồng, được lên máy bay phục vụ khách hàng phải trải qua nhiều khâu xử lý; để thuyết phục nước ngoài tiêu thụ nông sản Việt Nam không hề đơn giản chút nào. Cái họ cần là vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đích thân Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia Shabery Cheek và Chủ tịch Quốc hội nước này, Pandikar Amin Mulia dẫn đầu phái đoàn nước này đi quảng bá sầu riêng tại Trung Quốc; Thủ tướng Malaysia tặng 43 quả sầu riêng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc như một thông điệp tiếp thị cao cấp.
Cứ đà này, không lâu nữa sẽ xuất hiện thực trạng Sầu Riêng Việt bị Sầu Riêng Thái Lan, Malaysia…đánh te tua trên sân nhà như đã xảy ra với gạo, thịt, dưa hấu, cam.
Có thể bạn quan tâm
|
Chỉ trong tháng 5 vừa qua, Việt Nam chi gần 100 triệu USD mua thuốc trừ sâu từ Trung Quốc; bình quân mỗi năm không dưới 1 tỉ USD nhập phân bón và thuốc trừ sâu từ láng giềng phía Bắc! Hóa chất đi đâu nếu không phải thấm vào đất, hòa vào nước, tồn trọng trong rau, củ, quả!?
Nông sản Việt bị trả về sau khi qua khỏi cửa khẩu không còn là chuyện bất ngờ, đó không phải là chiêu trò thông thường như thương nhân Hoa kiều hay sử dụng, mà không thể vượt qua tiêu chuẩn Australia, EU, Mỹ, Nhật Bản.
Mười bốn tấn Sầu Riêng ở Xuân Lộc (Đồng Nai) có dấu hiệu ngâm hóa chất đang chờ cơ quan chức năng làm rõ, nếu thông tin này chính xác là cú đánh chí mạng vào lòng tin người tiêu dùng một món đặc sản tiêu biểu chỉ Miền Nam mới có.
Đổ lỗi cho ngành nông nghiệp hay người nông dân? Quá xa xôi để nói về chuỗi liên kết hay ý thức người sản xuất, nhưng xem ra cả hai đều có lý.
Nỗi khốn khó của nhiều ngành hàng nông nghiệp bắt đầu từ thói quen thích gì dùng nấy. Thật khó tin là cả mấy héc ta Sầu Riêng mà không cần đến một kỹ sư hay quy trình nào! Dựa vào kinh nghiệm và những loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích có sẵn ngoài cửa hàng.
Thuốc có thể cứu họ thoát khỏi vụ mùa thất bát nhưng kéo cả nền nông nghiệp xuống vực nếu không sử dụng một cách khoa học. Một vòng luẩn quẩn không thể nào thoát ra được, vì không thể thiếu thuốc!
Đương nhiên không thể cấm nhập khẩu thuốc, vì nền nông nghiệp không thể thiếu lá chắn bảo vệ, nhưng sử dụng thuốc thế nào lại là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, cán bộ khuyến nông từng địa phương.
Không thể áp dụng quy trình nếu không có cánh đồng mẫu lớn, trang trại tiêu chuẩn. Vấn đề là không phải nông dân nào cũng đủ điều kiện làm ăn bài bản, như vậy, mọi con đường đều không thể không tìm đến gõ cửa cơ quan chức năng.
Sự e ngại bị đầu độc là thứ vũ khí giết chết sản phẩm nông nghiệp. Sầu Riêng khỏi cần “giải cứu” vì nó còn làm được khối thứ khi không ai dám ăn, đó là bánh kẹo, thực phẩm, thế là cuối cùng buộc phải ăn!
Mỗi lô hàng bị trả về là một sự thất bại cay đắng của nỗ lực tham gia chuỗi lợi ích toàn cầu. Nhưng xem ra điều đó không ăn thua gì với người nông dân, việc của họ là làm sao khỏi mất mùa, rớt giá đã có… nhà nước kêu cứu giùm!
Theo Bộ Nông nghiệp, đến nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; trong đó, 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Mẫu thông tin trên hao hao giống một loại báo cáo tổng kết hơn là phản ánh thực trạng sản xuất tùy hứng của đa số nông dân.