Lũ, biệt phủ và phá rừng
Khổ quá nhiều nên có thể quên đi… cái khổ, nhưng không thể quên mối liên hệ keo sơn giữa lũ, phá rừng và biệt phủ!
Một lần nữa cơn lũ quét qua tỉnh nghèo Yên Bái, một lần nữa lại chứng kiến thêm cảnh mất mát và một lần nữa những câu hỏi khắc khoải lại hiện về. Sao lũ dồn về nhanh thế? Có phải chỉ riêng Yên Bái?
Tại Yên Bái, lưới điện nhiều nơi bị tê liệt, hệ thống nước sinh hoạt bị vùi lấp vì đất đá bị dòng nước cuốn theo, cán bộ chiến sĩ Quân khu II được huy động đến những vùng thiệt hại nặng, máy móc được huy động tối đa, các đoàn thể từ khắp nơi khởi động công việc như thường lệ là cứu trợ.
Nhưng đau đớn nhất là 14 người thiệt mạng,13 người mất tích tính đến rạng sáng ngày 22/7, trong đó có một Phó Bí thư Đảng ủy xã - cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã trút lên đầu tất cả chúng ta, không từ một ai!
Cách đây chưa đầy 1 năm cũng tại Yên Bái có cơn lũ lịch sử, lũ về từ lúc… rạng sáng, hàng chục người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, cây cầu Thia ở Nghĩa Lộ bị sập cuốn theo một phóng viên đang tác nghiệp.
Thống kê sau đó cho thấy tỉnh nghèo này thiệt hại 700 tỷ đồng, gần bằng 1/3 tổng thu ngân sách toàn tỉnh năm 2017 (2.508,9 tỷ đồng, nguồn baoyenbai.com). Con số làm người ta cảm thấy bớt thương đau nhưng còn hàng ngàn con người chưa thể gây dựng sự nghiệp sau non một năm, họ vẫn sống và tiếp tục đương đầu với thiên nhiên.
Chỉ tính từ đầu mùa mưa lũ năm 2017 đến nay, tại các tỉnh Tây Bắc đã có gần 100 người chết và mất tích, ước thiệt hại về kinh tế hơn 5.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
|
Lũ chồng lũ khiến chúng ta mau chóng quên mất những tang tóc cũ vì tang tóc mới ập về. Nhưng mất mát vẫn xếp tầng xếp lớp lên cuộc sống người nghèo. Đó không chỉ là những trận lũ bình thường, mà là “lũ ống”, “lũ quét”.
Lũ lụt do khí hậu thất thường là phải rồi, nhưng lũ ở Yên Bái xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn, chưa đầy một năm hứng 2 trận lũ lớn, thử hỏi sức vóc con người nào chịu thấu!?
Lũ quét, lũ ống đến vào giờ “hoàng đạo” lúc nửa đêm, rạng sáng là hậu quả của nạn phá rừng lấy gỗ và phá rừng làm thủy điện. Khi đồi núi không còn cây chỉ cần một trận mưa lớn là nước chảy thẳng về xuôi mang theo đất đá, được “gia tốc” qua quãng đường hàng trăm cây số trước khi đến “thăm” thôn bản, xóm làng.
Mỗi khi những trận “đại hồng thủy” kinh hoàng như thế xuất hiện, người ta lại càng thấm thía: Phải chi đừng phá rừng! Có thể thống kê chính xác bao nhiêu héc ta rừng mất đi nhưng không thể chỉ rõ tận cùng ai là thủ phạm.
Riêng năm 2015, lực lượng chức năng các tỉnh trung tâm vùng Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái đã phát hiện và xử lý gần 2.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Có những vụ tai tiếng đến mức Thủ tướng phải lên tiếng.
Những dinh cơ nguy nga gỗ quý của quan chức các tỉnh thành từ đâu mà có, hàng triệu héc ta rừng bị cạo sạch gỗ đi về đâu, cái biệt phủ “nổi tiếng” ở Yên Bái liên quan gì đến độ hung hãn của “nước + đất, đá + độ dốc”?
Phá rừng gọi là “lâm tặc” nhưng không chỉ những gã tiều phu mình trần thân trụi đối mặt với hiểm nguy chỉ để lấy ít ỏi tiền công sống qua ngày. Buôn bán gỗ lậu là lĩnh vực làm giàu không biết bao nhiêu đại gia, những người đó không trực tiếp chặt cây vạt cỏ nhưng đó là loại “lâm tặc cao cấp” hưởng thụ nơi rất xa rừng.
Thủ tướng đã yêu cầu “đóng cửa rừng” nhưng nhiều nơi còn mở he hé, nhiều nơi thấm đau vì mất rừng nhưng cũng nhiều nơi đặt bút ký chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất kinh doanh.
Khổ quá nhiều nên có thể quên đi… cái khổ, nhưng không thể quên mối liên hệ keo sơn giữa phá rừng và lũ.