Sửa điểm thi: Do đâu và vì sao?

Trương Khắc Trà 24/07/2018 05:33

Có phải Bộ hoàn toàn trông chờ vào đạo đức công vụ của cán bộ địa phương, trong khi yếu tố đạo đức hiện nay rất dễ lung lay bởi nhiều thứ.

Trong rất nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục, sửa điểm thi thật sự làm rúng động dư luận mấy ngày vừa qua. Ở Hà Giang, Sơn La hay bất cứ nơi nào khác giờ không còn cấp bách bằng việc làm sao chỉ rõ nguyên nhân và tìm cách khắc phục.

Có một thứ đã được báo chí nhắc đế khá lâu, hiện tượng có từ thời xa xưa, đó là “cát cứ địa phương”, “cục bộ”, “trên nóng dưới lạnh”.

Tại một hội nghị bàn cách liên kết phát triển vùng Miền Trung diễn ra hồi năm ngoái, sau nhiều bài tham vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra “thiếu liên kết vùng và cát cứ địa phương đang là rào cản lớn của phát triển vùng” [thanhnien.vn, 10:50 - 26/09/2017].

Tại hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng” hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo “tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh, nóng ấm không đều, có chỗ nóng ấm, có chỗ chưa ấm”. [nhandan.com.vn, 22/03/2018 - 04:04 AM].

Hai tình trạng này thường rất thân thiết với nhau, vì “trên bảo dưới không nghe” nên cứ tùy tiện, lâu ngày trở thành “cục bộ”, “cát cứ địa phương”. Vì vậy mới có tình trạng kỳ dị 63 tỉnh thành là 63 nền kinh tế, như lời của TS Trần Đình Thiên.

Gian lận thi cử, hết Hà Giang đến Sơn La, còn thêm nơi nào nữa?

Gian lận thi cử, hết Hà Giang đến Sơn La, còn thêm nơi nào nữa?

Giáo dục không ngoại lệ, “trên” không bảo “dưới” phải điều động giáo viên đi tiếp khách; Bộ không bao giờ chủ trương thu thật nhiều tiền đầu mỗi năm học; không ai dung túng cho mấy chuyện tầm phào trong trường học; sửa điểm lại càng không!

Có thể bạn quan tâm

  • Sự cố Hà Giang: Giữ hay bỏ kỳ thi “2 in 1”?

    Sự cố Hà Giang: Giữ hay bỏ kỳ thi “2 in 1”?

    06:30, 20/07/2018

  • Sự cố Hà Giang: “Thà một lần đau” để trong sạch các kỳ thi về sau!

    12:30, 20/07/2018

  • “Nâng” nhân tài "dởm" sẽ thành… nhân tai!

    05:54, 21/07/2018

  • Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

    06:21, 19/07/2018

Để tìm những văn bản chỉ đạo của Bộ, Chính phủ về chấn chỉnh đạo đức, tác phong nhà giáo, về định hướng tốt đẹp cho giáo dục không quá khó, thậm chí rất nhiều.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cũng thế, đó là công việc quan trọng nhất của Bộ Giáo dục trong năm, đã chuẩn bị từ tập huấn, thi thử, kiểm tra thị sát… nhưng cuối cùng vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát kết quả lại không làm được.

Bộ rất sốt sắng là đúng rồi, nhưng Bộ chỉ nắm đằng chuôi trong việc tổ chức kỳ thi, sai lầm lớn nhất là giao cho địa phương, mà địa phương thì xưa nay rất phổ biến tình trạng “trên nói một đằng, dưới làm một nẻo”. Không chỉ riêng ngành giáo dục!

Bộ hoàn toàn trông chờ vào đạo đức công vụ của cán bộ địa phương, trong khi yếu tố đạo đức hiện nay rất dễ lung lay bởi nhiều thứ. Nhìn con cái lãnh đạo, doanh nghiệp các địa phương được nâng điểm thì dư luận phần nào biết được vấn đề bên trong thực chất là gì.

Sau khi Hà Giang “vỡ” ra, đến lượt Sơn La, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 1/8.

Tức là một lần nữa Bộ lại đặt niềm tin vào độ khách quan trung thực của địa phương. Nên chăng, Bộ phải chỉ đạo phong tỏa toàn bộ kết quả thi 63 tỉnh thành, đích thân Bộ Giáo dục và Bộ Công an tiến hành rà soát, nên chăng phải đặt tất cả địa phương vào tình trạng nghi vấn, chờ kết quả rà soát độc lập.

Sau sự cố Hà Giang, nhiều nơi (nếu có) gian lận điểm cũng đã đủ thời gian tẩu tán tang vật, giờ tiếp tục giao cho địa phương tự rà soát, dư luận quan ngại còn nhiều nơi không bị phanh phui.

Giả sử các địa phương “dính” chuyện như Hà Giang thì ai dám công bố kết quả thi bị gian lận? Trong khi Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia là các nhân vật lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.

Vì sao một Phó phòng của Sở Giáo dục Hà Giang liều mình sửa điểm? Nó quá nhạy cảm để đưa ra nhận xét vào lúc này, nhưng nghĩ mãi, nghĩ mãi cũng chỉ quanh quẩn trong vài nguyên nhân ai cũng biết nhưng không có bằng chứng.

Chắc chắn một cán bộ tôi luyện qua nhiều năm trước khi làm lãnh đạo là người đầy đủ năng lực hành vi dân sự; con người khi đầy đủ năng lực hành vi dân sự không làm gì mà không tính toán thiệt hơn. Nhất là những việc kinh thiên động địa, biết chắc phạm pháp như sửa điểm càng phải có thời gian ủ mưu rồi mới ra tay.

Để phòng ngừa những kết luận có ý làm nhẹ vấn đề, Bộ phải ra tay trực tiếp, nhất là câu hỏi phổ biến vì sao “dính” đến con em lãnh đạo, doanh nghiệp địa phương.

Bí Thư Hà Giang nói không “xin” điểm, xin sao được! Chẳng nhẽ ông ấy đường đường một Uỷ viên Trung ương, Bí Thư tỉnh ủy lại đi “xin” anh Phó phòng dưới mình cả chục bậc, vả lại ái nữ của ông ấy cũng là học sinh giỏi!?

Buồn hơn nữa nếu anh Phó phòng tự ý mang điểm làm quà, đó mới thật sự là tha hóa quyền lực, thật nguy hiểm làm sao nếu cán bộ dưới quyền không biết làm gì hơn ngoài xun xoe nịnh nọt cấp trên để đạt mục đích cá nhân.

Nếu điều đó là thật chúng ta lại phải đương đầu với một dạng “lobby” lấy từ nguồn lực công.

Trương Khắc Trà