Khủng hoảng niềm tin
Một chân lý trong thương trường. Anh có thể bằng nhiều cách để cạnh tranh nhưng chỉ có một con đường duy nhất khẳng định mình, đó là uy tín và chất lượng.
Trên một trục đường lớn nhất Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) cả con phố dài dằng dặc không một cửa hàng nào nổi bật hơn Con Cưng.
Tọa lạc tại vị trí đắc địa, cửa hàng được tổ chức rất quy củ, nhân viên nhiệt tình, làn gió mát lạnh phả ra từ máy lạnh hòa cùng mùi thơm nhẹ từ quần áo, mỹ phẩm có thể làm xiêu lòng khách hàng khó tính nhất.
Con Cưng tại Đông Hà là sự lựa chọn an toàn, tin cậy với những mẹ bầu sắp sinh hoặc những ai cần chưng diện cho những đứa con cưng. Nhưng tất cả lợi thế đó có nguy cơ sụp đổ.
Chưa biết những ai đã bị lừa bởi vẻ hào nhoáng bề ngoài khi mà một cửa hàng của thương hiệu này ở TP HCM bị tố “xé mác”, cơ quan chức năng đang vào cuộc…
Trong kinh doanh có vô vàn cách để lấy lòng khách hàng, phải “mua danh ba vạn” nhưng chỉ có một cách để “bán danh ba đồng”, là khi đánh mất uy tín. Bài học từ Khaisilk trưng ra tương lai buồn cho doanh nghiệp kinh doanh đồ mẹ và bé - Con Cưng. Khaisilk và Con Cưng cùng chung đường “treo đầu dê bán thịt chó”.
Một sự cố tưởng chừng rất nhỏ khi một khách hàng phát hiện chiếc tem cũ trên áo mua từ Con Cưng bị cắt rồi thay bằng tem mới - ghi xuất xứ từ Thái Lan. Chất lượng chiếc áo chưa bàn đến nhưng Con Cưng đã không tôn trọng khách hàng, hoàn toàn có thể xem là lừa đảo!
Con Cưng tăng doanh thu từ 115 tỷ đồng năm 2015 đến 921 tỷ đồng năm 2017, một tốc độ tăng trưởng hiếm thấy, có 346 cửa hàng trên toàn quốc. Độ lớn của Con Cưng khiến một sự cố nhỏ có thể bung bét thành làn sóng tẩy chay trên toàn quốc.
Một nghi ngờ rất phổ biến giống như Khaisilk là hàng giá rẻ Trung Quốc đội lốt hàng Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, đồng nghĩa với giá bán tăng lên theo nguồn gốc xuất xứ.
Con Cưng đã lừa bịp khách hàng trong bao lâu? Tốc độ tăng trưởng khủng khiếp có liên quan gì đến chiêu trò mua rẻ phù phép bán đắt?
Vai trò của cơ quan chống hàng giả hàng lậu; Hội bảo vệ người tiêu dùng ở đâu? Khi mà cả vụ Khaisilk và Con Cưng đều do người tiêu dùng phát hiện và tố cáo.
Thật đáng sợ nếu một doanh nghiệp buôn gian bán lận ngang nhiên tồn tại trên những con phố mặt tiền, nổi bật với tông màu hồng.
Chiêu hô biến hàng bình dân thành hàng cao cấp không mới, thậm chí đó là cách phổ biến nhất trong buôn gian bán lận. Từng có nhiều làng nghề ngoài Bắc thu mua vỏ chai rượu ngoại để đóng hỗn hợp giống rượu bán ra thị trường; hàng chục tấn mỹ phẩm trộn thủ công được dán mác Thái Lan, Hàn Quốc bị phát hiện (…)
Nhưng chỉ có Khaisilk và Con Cưng mới nâng tầm buôn hàng giả lên tầm cao mới, họ tồn tại ngang nhiên, như những thương hiệu có đầy đủ danh vọng và sự ngưỡng mộ.
Sau khi Khaisilk bị phanh phui ra người ta mới tá hỏa nhớ lại nhiều làng nghề lụa tơ tằm ở Việt Nam đã “chết” vì lụa công nghiệp rẻ bèo từ Trung Quốc. Lụa tơ tằm đâu chất đống trong hàng trăm cửa hàng Khaisilk?
Rồi đến Con Cưng cũng gieo vào lòng người tiêu dùng sự hồ nghi bị bao vây bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Chưa biết doanh nghiệp này làm gì để chống chọi với cáo buộc rất nặng, vụ việc đang mở rộng điều tra.
Buồn hơn là khi hàng nội vất vả trong cuộc chiến giành thị phần thì một doanh nghiệp rất lớn làm “nội gián” để hàng ngoại tung tác khắp nơi. Không vì cái gì cả, chỉ vì lợi nhuận và còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với nền kinh tế, với xã hội.
Hàng loạt cuộc khủng hoảng niềm tin xảy ra với doanh nghiệp Việt càng cũng cố thêm một chân lý trong thương trường. Anh có thể bằng nhiều cách để cạnh tranh nhưng chỉ có một con đường duy nhất khẳng định mình, đó là uy tín và chất lượng.