“Bom nước” đã nổ và lời cảnh báo
Ai dám chắc, liệu những “quả bom nước” có tuyệt đối an toàn khi mà mưa lũ và động đất thường xuyên xảy ra ở miền đất được mệnh danh là “thủ phủ” của thủy điện – Quảng Nam!
Nói đến thủy điện, hơn 1,5 triệu dân Quảng Nam không khỏi rùng mình khi hàng chục hồ chứa nước thủy điện như những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu tại 6 huyện miền núi của tỉnh.
Những “quả bom nước” gây nỗi kinh hoàng cho người dân
Đã hơn 1 năm trôi qua, người dân nơi vùng thủ phủ thủy điện Nam Giang, Quảng Nam vẫn chưa thôi nổi ám ảnh khi sự cố vỡ cửa van số 2 tại hồ chứa nước thủy điện Sông Bung 2 vào lúc 16 giờ 25 phút ngày 13/9/2016, với hơn 26 triệu mét khối nước, tương đương 1/10 dung tích của hồ chứa sông Bung 2, đổ về xuôi đã tạo ra cơn lũ dữ nhấn chìm nhiều ngôi làng thuộc xã La Êê và xã Zuôih. Hàng trăm ngàn người dân ở hạ du huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An hoảng sợ và sơ tán ngay trong đêm.
Sự cố này đã khiến 2 công nhân thiệt mạng, cuốn trôi nhiều người, máy móc, nhà cửa của người dân vùng hạ lưu hồ chứa.
Mặc dù chưa gây ra sự cố vỡ đập, nhưng hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 gây rò rỉ nước thân đập chính nhiều năm trước và đến bây giờ động đất vẫn còn tiếp diễn tại khu vực hồ chứa nước này cũng đã gây nổi ám ảnh cho người dân nơi miền đất được mệnh danh là thủ phủ của thủy điện này.
Không chỉ lo lắng sự cố vỡ đập mà mỗi mùa mưa lũ về, người dân sinh sống vùng hạ lưu sông Vu Gia -Thu Bồn nơm nớp lo sợ thủy điện xả lũ gây ngập cuốn trôi nhà cửa. Hơn 7 năm trước, thủy điện A Vương xả lũ cuốn trôi và vùi lấp nguyên một ngôi làng ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.
Chính nơi đầu nguồn hai con sông lớn Vu Gia-Thu Bồn của Quảng Nam hiện có đến 42 thủy điện được phê duyệt. Trong số 10 dự án thủy điện bậc thang thì có 7 công trình đã phát điện, 3 công trình đang xây dựng.
Trong 32 thủy điện vừa và nhỏ có 10 công trình đã phát điện, 6 công trình đang xây dựng, 16 dự án chưa triển khai. Và vùng hạ du rộng lớn với cả trăm ngàn dân đang lo lắng mất ăn mất ngũ vì những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu thì thử hỏi làm sao không lo lắng khi những sự cố liên tục xảy ra nơi hồ chứa nước thủy điện.
Có thể bạn quan tâm
Vỡ đập thủy điện Lào sẽ làm mực nước sông Mekong lên nhanh
15:05, 26/07/2018
Vỡ đập thủy điện tại Lào thiệt hại như nào đến Hoàng Anh Gia Lai?
07:09, 26/07/2018
Việt Nam cần làm gì với các công trình thủy điện sau sự cố vỡ đập ở Lào?
06:57, 26/07/2018
Vỡ đập thuỷ điện ở Lào: Nhà thầu phụ Việt Nam tham gia dự án nói gì?
11:02, 25/07/2018
Đại thảm họa vỡ đập thủy điện ở Lào và cảnh báo cho Việt Nam
19:46, 24/07/2018
Không chỉ ở Quảng Nam, mà tại miền đất Tây Nguyên, nơi hàng loạt thủy điện đang vận hành đã gây ra thảm họa. Người dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng khi một trận lũ kinh hoàng bất ngờ xảy ra trong điều kiện thời tiết bình thường vào lúc 5h sáng ngày 12/6/2013 khiến họ trở tay không kịp. Chỉ trong tích tắc nhà cửa ruộng vườn ngập chìm trong biển nước mà khi hiểu ra mới biết đích danh “thủ phạm” là Thủy điện Ia Krel 2 bị sự cố vỡ đập.
Sự cố Ia Krel vẫn chưa kịp lắng xuống thì hàng loạt sự cố khác bắt đầu xảy ra, khi mùa mưa lũ ở miền Trung – Tây nguyên vừa bắt đầu. Ngày 29/9/2013, đường dẫn nước thủy điện SêRêPôk bỗng dưng…vỡ toạc khi đang thi công, gây ngập úng, thiệt hại nhiều hoa màu và cả nhà ở của người dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk…
Chỉ sau đó vài ngày, đến lượt người dân tỉnh Quảng Nam phải liên tục gồng mình chống lũ, khi các thủy điện A Vương, ĐăK Mi 4 và sông Tranh 2 đồng loạt xả nước… Lũ lên nhanh đến mức, ở một số nơi, người dân đã hoảng loạn và cấp tập chạy nạn vì tưởng xảy ra sự cố…vỡ đập thủy điện. Đã có 3 người dân bỏ mạng oan uổng vì các trận lũ không đáng có này…
Nhưng, tất cả những điều ấy vẫn chưa đáng sợ bằng những gì mà người dân phải chịu đựng từ hơn 8 năm nay ở thủy điện Sông Tranh 2. Thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 100 trận động đất lớn nhỏ đã xảy ra tại khu vực hồ chứa thủy điện này. Nổi hoang mang, ám ảnh của người dân nơi miền thủy điện này đã đến giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng…
Với những gì đã và đang xảy ra, không ít thủy điện đang đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của hàng vạn người dân vùng hạ lưu. Chuyện này không phải đến bây giờ mới có. Trong những năm gần đây hàng loạt sự cố tại các công trình thủy điện, như: Đăk Rông 3(Quảng Trị), Hố Hô(Hà Tĩnh), Ea Súp 3(Đăk Lăk), Sông Bung 2 (Quảng Nam)… Hay việc rò rỉ nước tại hàng loạt thủy điện khác như Bản Vẽ, Sê San 4, Đồng Nai 4, Bản Chát, Sông Tranh 2…là lời cảnh báo cho sự mất an toàn của các hồ chứa thủy điện này.
Mạnh tay tháo ngòi nổ cho những “quả bom nước”
Không phải ngẫu nhiên mà các sự cố liên tục xảy ra tại hàng loạt hồ chứa nước thủy điện tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đã có nhiều câu hỏi nghi vấn đang được đặt ra xung quanh hiện tượng bất thường và ngày càng nguy hiểm này.
Người dân nơi vùng hạ lưu các hồ chứa thủy điện muốn biết và có quyền được biết sự thật xung quanh việc xây dựng các công trình thủy điện này liệu có đảm bảo an toàn tuyệt đối để tránh những thảm họa có thể xảy ra như sự cố vỡ đập xảy ra tại công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu (Lào) vào hôm chiều ngày 23/7.
Hàng loạt sự cố vỡ hồ chứa thủy điện đã xảy ra và cơ quan chức năng vào cuộc điều tra đã chỉ ra những sai phạm: Đó là tình trạng phê duyệt quy hoạch và xây dựng tràn lan; là sự vô tình hoặc cố ý buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát; là trình độ năng lực hạn chế của các ngành chức năng, khiến mọi chuyện gần như phó mặc cho chủ đầu tư thi công ẩu, sai thiết kế, kém chất lượng…
Theo kết luận của Bộ Công Thương khẳng định: Sự cố vỡ đập Sông Bung 2 tại Quảng Nam hồi năm 2006 nguyên nhân chính là do tổ chức thi công của nhà thầu tại hiện trường chưa tốt dẫn đến chất lượng bê tông không đạt mác thiết kế. Có 40% mẫu lấy tại hiện trường không đạt cường độ chịu nén thiết kế, 80% mẫu không đạt cường độ chịu kéo thiết kế và 100% không đạt dung trọng thiết kế.
Chất lượng công trình không đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính biến các hồ đập thủy điện trở thành những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu hàng vạn con người dân.
Việc quy hoạch thủy điện tràn lan là vô cùng nguy hiểm. Ngay tại 6 huyện miền núi Quảng Nam đã qui hoạch hơn 147 thủy điện. Sau khi rà soát, tỉnh Quảng Nam đã mạnh tay “tháo ngoài nổ” và tiêu hủy 105 “quả bom” nước thủy điện. Hiện chỉ còn 42 dự án, nếu chia đều thì mỗi huyện gánh 7 hồ chứa nước thủy điện.
Trước những mối hiểm nguy từ thủy điện có thể gây ra bất kỳ lúc nào, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết năm 2019 sẽ tổ chức tổng diễn tập di dời dân khẩn cấp với kịch bản xảy ra thảm họa thiên tai tại Quảng Nam.
Những “Quả bom nước” thủy điện đã bắt đầu gây họa. Nếu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không dũng cảm và nhanh tay “tháo ngòi nổ” của nó, bằng các giải pháp kiên quyết, quản lý chặt chẽ và mạnh tay xử lý các công trình thủy điện không đảm bảo chất lượng như Sông Bung 2 là một minh chứng.
Nếu không mạnh tay xử lý, đó sẽ là những thảm họa được báo trước!