Vỉa hè: Cơ bắp và luật pháp
Quản lý xã hội không thể mãi mãi cảm tình, để vỉa hè được sử dụng đúng mục đích không thể bằng sức mạnh cơ bắp.
“Vỉa hè ở TP HCM” và “Đoàn Ngọc Hải” từng là những từ khóa hót nhất trên mạng cách đây 2 năm. Ông Hải mạnh mẽ thế nào và thất bại ra sao ai cũng rõ, kẻ ủng hộ người phản đối nhưng rốt cuộc lại vẫn gặp nhau ở câu hỏi: Làm sao để người đi bộ có vỉa hè?
Mới đây chính quyền TP HCM ban hành quy định chừa ra 1,5m vỉa hè cho người đi bộ, đây là khoảng không gian bất khả xâm phạm. Liệu 1,5m này có bị tái chiếm?
Quay ngược về cách đây 10 năm, lúc thành phố ban hành văn bản quản lý và sử dụng lòng, lề đường và vỉa hè, do ông Nguyễn Thành Tài – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thời điểm đó ký.
Quy định năm 2008 có 7 chương, 21 điều, như một “bộ Luật mini” rất chặt chẽ, quy định trách nhiệm đến tận phường, xã. Nhưng chưa đầy 10 năm sau văn bản coi như bị vô hiệu hóa.
Đầu năm 2017 xuất hiện “thủ lĩnh dẹp vỉa hè” Đoàn Ngọc Hải - bằng mệnh lệnh và búa tạ, báo chí đương nhiên không bỏ sót một chi tiết nào, thậm chí đến cả chiếc đồng hồ, cái áo của ông Hải.
Nói vậy để thấy rằng, vỉa hè đã bị chiếm dụng nghiêm trọng như thế nào và công việc lấy lại không gian cho người đi bộ nổi lên như một hiện tượng như chưa bao giờ có ở thành phố lớn nhất nước.
Có thể bạn quan tâm
|
Đến bây giờ, có người còn cắc cớ, tại sao không đem văn bản đã được ký, đóng dấu đỏ cách đây chục năm làm sức mạnh pháp lý buộc người chiếm dụng trả lại vỉa hè? Thực tế, văn bản không có mấy tác dụng!
Chính quyền phường xã không biết việc của mình là quản lý từng đoạn đường ngang qua địa bàn, chẳng lẽ những người chiếm vỉa hè còn mạnh hơn cả văn bản nhà nước? Dù không muốn nhưng phải thừa nhận điều đó có thật.
Bây giờ, sau gần 2 năm nghiên cứu giải pháp, TP HCM tiếp tục dự kiến ban hành thêm văn bản mong “các thế lực lợi ích nhóm vỉa hè” chừa ra 1,5m cho người đi bộ.
Cả hai cách giữ vỉa hè bằng “sức mạnh mềm” và “sức mạnh cứng” đều không mang lại kết quả, TP HCM cần có biện pháp khác.
Cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải cho thấy sức mạnh của quyền lực nhưng sức mạnh đó đặt không đúng chỗ. Nhát búa đập phá, giải tỏa và thái độ lạnh lùng chỉ giáng xuống người dân hoặc những người trực tiếp sử dụng vỉa hè.
Thứ đáng chĩa mũi dùi là “lợi ích nhóm” bu bám xung quanh “kinh tế vỉa hè”, “kinh tế phi chính thức” trị giá hàng chục tỷ đô la. Lợi ích nhóm dĩ nhiên không sợ búa tạ và mệnh lệnh công quyền, trị được “lợi ích nhóm” cần nhiều thứ khác như cơ chế, sự minh bạch, công bằng xã hội, sự “lạnh lùng” phi cảm tình của pháp luật.
“Lợi ích nhóm” vẫn tồn tại cho đến khi quyền lực chưa được nhốt vào lồng, tức là phải làm rõ ai là chủ nhân thật sự sau mỗi mét vuông vỉa hè bị chiếm dụng kinh doanh buôn bán.
Thêm một thứ quan trọng không kém đó là ý thức người dân. Văn bản đã được phê duyệt, sao người dân xem như không? Đó là vấn đề cần lưu tâm, vì thiếu tuyên truyền hay bản thân văn bản chưa đủ sức mạnh?
Quản lý xã hội không thể mãi mãi cảm tình, để vỉa hè được sử dụng đúng mục đích không thể bằng sức mạnh cơ bắp. Xã hội văn minh là nơi pháp luật được thượng tôn, tất thảy bình đẳng trước pháp luật.
Tuy nhiên, để “dọn đường” cho pháp luật đi vào cuộc sống cần phải có chế tài đủ mạnh, tạo được niềm tin với dân chúng. Không để người dân chứng kiến cảnh công lý bị “bẻ cong”.
Ý thức con người, nếu suy cho cùng là phản ảnh hiện thực cuộc sống, đó là chân lý mà mỗi người học Mác, Lênin, Bác Hồ đều phải biết. Vì sao người dân chưa tuân thủ quy định? Vì sao vỉa hè bị chiếm mặc dù biết phạm pháp?