Mạng xã hội: “Lỗ tai, con mắt” thời 4.0
Tỏ thái độ bàng quan trước thông tin nói xấu, bịa đặt, tức là không dám đấu tranh tìm ra sự thật! Họ sợ “tai bay vạ gió” hay sợ không đủ lý lẽ tranh luận với “thế lực thù địch”?.
Trà dư tửu hậu với mấy người bạn công chức một cơ quan tỉnh nọ, cũng là những người bạn lâu rồi gặp lại. Thời nay, những buổi tụ họp như thế không thể nào thiếu những bức ảnh “ngay và luôn” cho “nóng”.
Sau vài tấm hình đăng lên facebook, mấy người bạn “công chức” tỏ vẻ không an tâm. Dường như có một nỗi lo nào đó mà vì tế nhị nên không nói thẳng ra, sợ bị đánh gia tư cách, đạo đức chăng!?
Sự e dè với mạng xã hội là bản năng tốt được định hướng trong tổ chức, nhưng không phải khi nào bản năng đó cũng hợp lý. Bí thư Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa nói rằng “Tôi có cảm giác chúng ta sợ mạng xã hội, nếu không dùng, đóng hết thì không biết họ nói mình cái gì”.
Cán bộ, công chức không ít người dính đòn đau từ mạng xã hội, nhưng đó là khi họ làm điều xằng bậy, khác hoàn toàn với tiếng nói đấu tranh, phản biện những luận điệu xuyên tạc.
Có thể bạn quan tâm
|
Không giấy bút nào liệt kê hết những trang mạng “lề trái” chỉ mỗi một việc tung tin nửa giả nửa thật, thêm một chút giả dối vào sự thật, thêm một chút sự thật vào giả dối tạo ra ma trận thông tin rất khó kiểm chứng, nhưng kéo theo bên dưới là vô số bình luận bất lợi cho hình ảnh cơ quan công quyền.
Ai có trách nhiệm đấu tranh chống lại sự hỗn loạn thông tin đó? Trước hết là đảng viên, cán bộ, công chức. Tỏ thái độ bàng quan trước thông tin nói xấu, bịa đặt, tức là không dám đấu tranh tìm ra sự thật! Họ sợ “tai bay vạ gió” hay sợ không đủ lý lẽ tranh luận với “thế lực thù địch”?.
Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, lý luận ngày nay được gói gọn trong những comment (bình luận), status (dòng trạng thái). Nếu dưới mỗi comment chưa tốt không có bất kỳ câu trả lời nào đáp lại thì hệ quả là rất lớn.
Cán bộ, đảng viên không dám đường đường chính chính đăng đàn đấu tranh bảo vệ công lý, lẽ phải vô tình để thông tin xấu tràn lan trên mạng xã hội.
Tổng thống Mỹ, D. Trump là nhân vật thường dùng Twitter để bày tỏ ý kiến, cả những vấn đề rất hệ trọng như ngoại giao, chính trị, kinh tế. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới sử dụng mạng xã hội để tương tác với người dân, tạo ra mối liên kết.
Nói như Bí thư Đà Nẵng, “…không dùng, đóng hết thì không biết họ nói gì về mình”. Không quan tâm lời nói của kẻ độc mồm độc miệng là một chuyện, không quan tâm đến việc người ta nói gì về mình là chuyện khác.
Lãnh đạo những cơ quan như môi trường, nông nghiệp, thị trường hàng hóa… hoàn toàn có thể mở mạng xã hội để dư luận xã hội trực tiếp “inbox”.Thời nay, không dùng mạng xã hội chẳng khác nào tự bịt mắt mình.
Không quan tâm thiên hạ nói gì về mình trừ trường hợp biết chắc việc mình làm là quang minh chính đại. Nhưng có điều, rất nhiều sai phạm bị “lôi xuống” từ mạng xã hội. Có phải chúng ta sợ điều này?
Người ta nói khá nhiều về kiểu “tư duy máy lạnh” là khi thiếu sâu sát tình hình thực tế, thời đại sản sinh ra “công dân trực tuyến” nên cũng cần những “cán bộ trực tuyến” kịp thời cung cấp thông tin chính thống.
Thời nay chiếc tivi hay loa phường không còn là công cụ duy nhất để nắm bắt tin tức, người ta bắt đầu quên tên các biên tập viên, phát thanh viên nhưng lại rất hứng thú với những trang tin không biết thật giả.
Thử đăng lên facebook một thông tin phát minh khoa học và một thông tin về vài tướng công an bị kỷ luật thử xem bên nào được quan tâm hơn!
Tại sao phải sợ mạng xã hội một khi mình làm điều ích nước lợi dân?