Chưa đến 1% du khách không hài lòng: Đừng tự mãn!

Sông Hàn 07/08/2018 11:05

Chỉ cần chưa đến 1% khách du lịch không hài lòng và rất không hài lòng cũng đủ để lan truyền trong cộng đồng mạng, trên báo chí, gây phương hại đến uy tín du lịch Việt Nam.

Tổng cục Du lịch vừa công bố kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017.  Đáng chú ý, về mức độ hài lòng của du khách theo kết quả điều tra cho thấy: Có 93,46% số khách hài lòng và rất hài lòng; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng và rất không hài lòng.

Được biết, cuộc khảo sát đã được tiến hành với 27.000 phiếu theo phương pháp chọn mẫu tại 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước (bốn cửa khẩu đường không, bốn cửa khẩu đường bộ và bốn cảng biển). Theo đó, gần 60% số khách đến Việt Nam lần đầu tiên và 40% số khách đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên.

Con số khảo sát, điều tra này đọc lên ta thấy vui mừng cho ngành “công nghiệp không khói”, nhưng cũng có phần hoài nghi khi thời gian qua bản thân ngành du lịch đang có những “hạt sạn lớn”.

Vụ du khách Tây Ban Nha bị lái xe taxi trả lại tiền âm phủ là một trong nhiều "cú sốc" cho ngành du lịch Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • "Lộ diện" người dùng tiền âm phủ trả lại cho 2 du khách Tây

    18:14, 21/07/2018

  • Vụ du khách Tây bị trả tiền âm phủ: Khách Tây Ban Nha nói gì?

    08:35, 21/07/2018

  • Vụ du khách Tây bị trả tiền âm phủ: Người lái xích lô khẳng định mình trong sạch

    14:40, 18/07/2018

  • Vụ du khách Tây bị trả tiền Âm phủ khi đi xích lô: Sở Du lịch Hà Nội nói gì?

    11:23, 18/07/2018

  • Sao lại "tiết kiệm" tiếng Anh ở thành phố du lịch?

    05:07, 02/08/2018

  • Rác tràn ngập bờ biển du lịch Hải Hòa

    22:58, 25/07/2018

  • Thấy gì từ bức thư xin lỗi du khách Úc của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?

    13:00, 29/05/2018

  • Du khách Úc cảnh báo du lịch Việt

    03:38, 25/05/2018

Chẳng hạn: “Chuyến du lịch kinh hoàng” của nhóm khách du lịch Úc khi đi tàu nghỉ đêm trên vịnh ở Hải Phòng hồi tháng 5. Gần đây nhất, vụ việc 2 khách du lịch người Tây Ban Nha vừa chân ướt chân ráo đến Hà Nội đã bị 2 cú lừa đảo, “chặt chém” của lái xe taxi và lái xe xích lô. Khách đi xích lô chưa đến 3km phải trả 1.500.000 đồng; đi taxi đồng hồ chỉ 37.000 đồng, đưa 500.000 đồng bị trả lại 3 tờ tiền âm phủ.

Hoặc cuối tháng 7 vừa qua, một gia đình gồm 5 người (2 người lớn, 3 trẻ nhỏ) quốc tịch Tây Ban Nha bị lừa khi đặt gần 640 Euro tiền vé tàu trên trang mạng trực tuyến Expedia.es. để tham quan vịnh Hạ Long 3 ngày 2 đêm..v..v.

Tất nhiên, những sự việc này đều được cả lãnh đạo Bộ Văn hóa, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng vào cuộc chỉ đạo giải quyết rốt ráo.

Dẫu vậy, đây thực sự là những câu chuyện buồn không chỉ với khách nước ngoài mà với cả phần lớn người dân Việt Nam, những người luôn mong muốn và hy vọng hình ảnh đất nước trở nên đẹp đẽ, ấn tượng trong mắt bạn bè thế giới.

“Ngành du lịch Việt Nam bao năm qua cứ ‘hò nhau’ xây dựng hệ thống dịch vụ, cơ sở hạ tầng, văn hoá, văn minh du lịch nhưng có những vụ việc cộm cán vừa qua gần như là cú đạp đổ công sức chỉ trong nháy mắt. Đánh người, trộm cắp, bám riết khách nước ngoài rồi bây giờ là đến trả tiền… âm phủ, việc hình ảnh Việt Nam nhanh chóng quay trở về con số 0 trong mắt khách du lịch quốc tế là điều dễ hiểu” - ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Cty du lịch Neworld Travel chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, nhà Việt Nam học (chuyên về du lịch) Daria Mishukova cũng đưa ra nhận định: “Tỉ lệ khách du lịch Nga quay trở lại Việt Nam là rất ít, đại đa số chỉ đi một lần. Cách để kéo họ quay trở lại là phải tạo được ấn tượng tốt đẹp hay những kỷ niệm đẹp về đất nước, con người sau một chuyến đi. Đây là một vấn đề lớn, không thể nói là trách nhiệm của riêng một ai”.

Thẳng thắn mà nói, việc khách “một đi không trở lại” không phải do chính sách thu hút hay đầu tư cho du lịch mà là do chất lượng dịch vụ, trong đó chủ yếu là do yếu tố con người. Nói vậy bởi, khách du lịch đi du lịch là để được thưởng thức, được thư giãn chứ không phải là đi du lịch tới Việt Nam là để nâng cao tinh thần cảnh giác và học các bài học về ứng phó với kẻ gian.

Khách du lịch tới với Việt Nam là vì phong cảnh, văn hóa, con người… đâu phải để hưởng thụ khách sạn 5 sao, tàu cao tốc, siêu thị hàng hiệu hay những thứ tương tự. Những thứ đó ở nước họ có nhiều rồi.

Điều này đồng nghĩa với việc, du khách có quay lại hay không cũng là do con người: Người dân có thân thiện không, có trung thực thật thà không, người phục vụ có cái tâm phục vụ không, có hết mình vì khách không? Tức là, trong vấn đề này, cái “tâm” còn quan trọng hơn nhiều so với kỹ năng và trình độ.

“Chỉ cần chưa đến 1% khách du lịch không hài lòng và rất không hài lòng cũng đủ để những ấn tượng xấu trong chuyến đi của họ lan truyền trong cộng đồng mạng, trên báo chí, gây phương hại đến uy tín du lịch Việt Nam” - Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.

Vì thế, chúng ta đừng quá tự hào hoặc tự mãn khi nhìn vào những con số!

Sông Hàn