Những “lương y” đang bán linh hồn cho quỷ dữ?
Một đường dây “chạy” bệnh án tâm thần cho hàng chục đối tượng hình sự nhằm trốn tránh sự phát hiện, điều tra, xử lý của cơ quan công an vừa bị phát hiện.
Ngày 9/8 vừa qua, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã điều tra và phát hiện một đường dây “chạy” bệnh án tâm thần cho hàng chục đối tượng hình sự nhằm trốn tránh sự phát hiện, điều tra, xử lý của cơ quan công an.
Trước đó, theo tài liệu điều tra từ đầu năm 2017, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, xác minh các trường hợp có biểu hiện nghi vấn đã và đang thực hiện hành vi “chạy” bệnh án tâm thần để điều tra, làm rõ.
Có thể bạn quan tâm
“Phát súng lệnh” đặc biệt cho ngành Y
11:01, 26/06/2018
Ngành Y lại phải xin “rút kinh nghiệm sâu sắc”?
05:09, 25/07/2017
Mối lo thường trực của ngành y?
09:24, 21/07/2017
Ngành y và những chuyện buồn muôn thuở
07:00, 15/06/2017
Tháng 6/2018, Lê Thanh Tùng (SN 1986, thường trú ở phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) là đối tượng cầm đầu ổ nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích có tính chất côn đồ, băng nhóm thanh toán lẫn nhau. Sau khi gây án, Tùng đã xuất trình bệnh án tâm thần.
Cơ quan Công an đã kết luận bệnh án tâm thần của Tùng là giả do một bệnh viện tâm thần đóng trên địa bàn Hà Nội cung cấp. Qua quá trình điều tra xác định với số tiền 85 triệu đồng, Tùng đã có hồ sơ bệnh án với kết luận bị “Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”.
Có thể thấy, Bộ luật Hình sự nước ta có một điều khoản quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Đây là chính sách khoan hồng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta cho đối tượng mắc phải bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội mà không kiểm soát điều khiển được hành vi của mình. Lợi dụng chính sách này, hiện có một số đối tượng phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, mà có khung hình phạt cao đã giả vờ bị điên hoặc xuất trình những hồ sơ bệnh án của bệnh viện tâm thần để mong thoát được khung án tử hình.
Nên, những tưởng câu chuyện “chạy” bệnh án tâm thần của đối tượng Tùng nói trên là điều mới mẻ, thế nhưng nó lại không mới chút nào. Câu chuyện về việc trùm ma túy Dư Kim Dũng, hay còn gọi là Dũng “tình”, 45 tuổi, ở phường Đằng Lâm, quận Hải An, thoát án tử hình trong sự ngỡ ngàng của dư luận, đã cho thấy sự “lợi hại” của những bệnh án tâm thần. Trước khi bị bắt, Dũng là tay buôn ma túy có số hạng không chỉ ở Hải Phòng mà còn trên cả nước.
Hoặc, sau khi bị TAND TP Cam Ranh – tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Nguyễn Đức Tây (SN 1992, trú Hòa Do 2, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh) kháng cáo, và tại phiên tòa phúc thẩm gia đình bị cáo đã cung cấp tài liệu chứng cứ cho thấy bị cáo từng điều trị tâm thần tại TP HCM trước khi gây thương tích cho các bị hại. Sau khi điều tra lại Cơ quan điều tra xác định bệnh án tâm thần của Tây là giả.
Phải nói rằng, trong các nghề thì nghề Thầy thuốc vừa đòi hỏi có kiến thức và tay nghề vững vàng vừa có lương tâm và ý thức trách nhịêm của người làm công việc đặc biệt quan trọng là trị bệnh cứu người. Chình vì lẽ đó mà mọi sinh viên y khoa trước khi nhận bằng tốt nghiệp đều phải đọc “Lời thề danh dự Hyppocrates” của người Thầy thuốc, xác định rõ nội dung y đức mà mình phải thấm nhuần và thực hiện trong suốt cuộc đời hành nghề.
Tiếc rằng mặt trái của cơ chế thị trường hiện nay đã tác động khá mạnh mẽ lên một bộ phận đáng kể những người hành nghề y và dược, làm cho nhiều người dân phải phàn nàn và bất bình.
Theo một kết quả nghiên cứu về thực trạng nhận thức và thực hành y đức thuộc tuyến huyện, tỉnh và TƯ : 5,7% bác sĩ có biểu hiện thường xuyên vi phạm y đức. Điều đáng lưu ý là càng lên tuyến cao hơn thì y đức càng giảm sút. Cụ thể, tỷ lệ vi phạm y đức ở tuyến huyện là 3%, tuyến tỉnh là 6,7% và ở tuyến trung ương là 7,0%. Thậm chí, trong số hàng chục bệnh án tâm thần thì có hơn 50% số đó là bệnh án của các đối tượng hình sự nguy hiểm.
Muốn giữ được đạo đức nghề nghiệp, trước hết phải giữ được lương tâm nghề nghiệp, bởi vì, làm điều ác lần thứ nhất thì lương tâm còn dằn vặt, cắn dứt nhưng điều ác được lặp lại thì lương tâm biến mất. Lúc đó cũng là thời điểm báo trước sự đổ vỡ của lòng tự tin, lòng tự trọng nghề nghiệp.
Thật đáng buồn khi có những người mang mác “lương y” nhưng lại đang bán linh hồn cho quỷ dữ!